Nghề nuôi cá bớp ở Hòn Chuối gặp khó

14:05 | 29/11/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Đảo Hòn Chuối cách cửa biển Sông Đốc khoảng 17 hải lý về hướng Tây. Xa đất liền, nên việc đi lại, cung cấp lương thực, thực phẩm cho cư dân và các đơn vị quân đội đang làm nhiệm vụ trên đảo đều phụ thuộc vào các phương tiện đánh bắt thủy sản của ngư dân từ đất liền. Nếu thời tiết xấu, có khi cả chục ngày mới có 1 tàu ra đảo. Khó khăn là vậy, nhưng quân dân trên đảo luôn tương trợ, giúp đỡ nhau cùng vượt khó, tất cả các hộ gia đình cư dân trên đảo đều có cuộc sống ổn định.
Việt Nam Bảo vệ môi trường biển
Định kỳ, người nuôi sẽ tắm cho cá bớp bằng nước ngọt pha đá lạnh (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Lê Khoa, https://dulich.petrotimes.vn

Thiếu tá Trương Văn Kết, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau thông tin: “Trước đây, cư dân trên đảo sống chủ yếu nhờ nghề câu cá lạt quanh đảo, nhưng hiện nay, nghề câu cá lạt đã không còn tồn tại, do không còn nguồn cá, thay vào đó, nghề nuôi cá bớp trong lồng bè đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dân trong đất liền hướng ra biển, đảo làm ăn, sinh sống. Bởi, mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao, trên đảo hiện có 68 hộ/ hơn 200 nhân khẩu thì có 37 hộ đang nuôi cá bớp lồng bè với 196 bè, khoảng trên 30.000 con cá giống”.

Chúng tôi cùng tổ tuần tra trên biển của Đồn Biên phòng Hòn Chuối chạy vòng quanh đảo kiểm tra tình hình. Từ sáng sớm, các chủ bè đã chuẩn bị thức ăn sáng cho cá bớp. Chúng tôi ghé vào bè có 4 hộc lưới đầy cá của anh Hồng Nhật Trường, một trong số những hộ nuôi cá bớp từ 10 năm nay. Cũng như bao lớp cư dân khác ở đảo Hòn Chuối, vợ chồng anh Trường ra đảo khởi nghiệp từ năm 1999, với hai bàn tay trắng, nhờ siêng năng làm lụng, không ngại gian khó, nên giờ đây, vợ chồng anh đã có cuộc sống khấm khá.

Anh Trường quê ở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, vợ anh quê ở Bến Tre. Kết hôn năm 1999, rồi vợ chồng anh theo gia đình ra Hòn Chuối, lập nghiệp, đến nay đã hơn 20 năm. Lúc đó, đất đảo còn hoang vu, dân cư ít, nên vợ chồng anh lên lưng chừng đảo tận dụng đất trống trồng củ sắn, củ khoai và những loại rau xanh,... mang đổi cho người đi ghe biển lấy gạo và nước ngọt. Mỗi khi chiều xuống, anh Trường chạy chiếc xuồng gỗ nhỏ (tài sản có giá trị nhất của gia đình anh Trường khi mới khởi nghiệp) quanh chân đảo để thả câu, giăng lưới, còn vợ anh thì mở hàng buôn bán nhỏ trên đảo.

Anh Trường nhớ lại, khi anh ra đảo, đã có ông Huỳnh Phong Vụ, ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời và ông Lê Văn Út, quê ở Kiên Giang được xem là những người tiên phong ra đảo đầu tư đóng bè nuôi cá bớp lồng và cũng là người hướng dẫn cho cư dân đảo Hòn Chuối biết cách làm theo. Học hỏi từ những người nuôi trước, gia đình anh vay vốn đầu tư 50 triệu đồng đóng bè nuôi 1.000 con cá giống, sau 8 tháng chăm sóc, lứa đầu tiên thu hoạch, trừ mọi chi phí, anh thu lợi hơn 70 triệu đồng. Thành công bước đầu tạo điều kiện để anh mở rộng bè nuôi và duy trì đến hôm nay.

Hiện tại, anh đang nuôi 500 con cá giống, vốn đầu tư trên 300 triệu đồng và được hơn 4 tháng tuổi, đang sinh trưởng, phát triển tốt, ước tính khi thu hoạch lời từ 100-150 triệu đồng. Anh Trường cho biết, tiền đóng bè, mua cá giống không nhiều, nhưng nặng là phần lo cho cá ăn. Để đảm bảo mỗi tháng cá tăng trọng đều đặn thêm khoảng 2 kg/con, mỗi ngày, anh chi hơn 1 triệu đồng mua thức ăn cho cá.

Là người tiên phong ra đảo Hòn Chuối lập nghiệp từ nghề nuôi cá bớp, ông Lê Văn Út, hiện đang sở hữu trên 3.000 con cá giống có trọng lượng từ 4kg trở lên. Theo ông Út tính toán, với trên 3.000 con cá giống đang nuôi, thời gian dự tính là 10 tháng sẽ thu hoạch, đến nay đã được 5 tháng, cá đạt từ 3,5 đến 5 kg/con. Mỗi ngày, chi phí tiền thức ăn hết khoảng 3 triệu đồng. Theo lộ trình này, 5 tháng tiếp theo, nếu cá đạt chất lượng, có giá hợp lý thì ông Út thu lời từ 200 đến 300 triệu đồng. Nhưng với giá cá như hiện tại, thời điểm này giao động từ 110.000 đồng đến 120.000đồng/kg thì cư dân nuôi cá không có lời, chưa tính đến rủi ro khác.

Việt Nam Bảo vệ môi trường biển
Các bè cá của cư dân đã rời về ghềnh Nồm, đảo Hòn chuối. Ảnh: Lê Khoa, https://dulich.petrotimes.vn

Cũng theo Ông Út chia sẻ, nghề nuôi cá bớp lồng được xem là khởi nghiệp hoàn hảo cho những hộ dân nơi đảo tiền tiêu này, nếu như được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, được bao tiêu sản phẩm đầu ra của ngành chức năng. Khó khăn nhất của cư dân hiện nay là vốn đầu tư. Không có vốn và không vay được của ngân hàng nên phải vay lãi cao bên ngoài, mặt khác, giá cá mồi cao (cá làm thức ăn) nên phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân đang nuôi cá.

Và nếu như trước đây, cá giống mua từ các tàu đánh bắt trên biển thì cá khỏe, nuôi nhanh lớn, bây giờ, nguồn này khan hiếm, nên chỉ nuôi cá giống được ép đẻ từ các tỉnh Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, cá lớn chậm hơn dẫn đến tăng thời gian nuôi và lượng thức ăn, lợi nhuận không bằng trước đây. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm và giá cả không ổn định, số lượng xuất không được nhiều, nhất là không xuất được cá còn sống do khâu vận chuyển từ đảo vào đất liền, nên giá thành thấp hơn cá sống ở các địa phương khác.

Bên cạnh đó, do đảo nhỏ nên mỗi năm, cư dân Hòn Chuối phải di chuyển quanh đảo để tránh sóng, tránh gió, gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém về tiền của. “Cuối năm 2017 và đầu năm 2019, do ảnh hưởng của 2 cơn bão đã gây thiệt hại nhiều về kinh tế của cư dân nuôi cá. Cũng trong thời gian đó, một đợt dịch bệnh gây chết cá hàng loạt, khiến nhiều hộ dân nuôi cá gặp khó khăn, thậm chí, nhiều gia đình phải bỏ nghề vì không còn vốn tái đầu tư” - ông Lê Văn Út thông tin thêm.

https://dulich.petrotimes.vn

bienphong.com.vn