Ngô đồng đỏ và nghề đan võng ở Cù Lao Chàm

19:10 | 28/06/2023

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Ngô đồng đỏ ở đảo Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) là loại cây đặc hữu, hiếm có và nghề đan võng Ngô đồng ở Cù Lao Chàm là nghề truyền thống mang giá trị sáng tạo độc đáo. Bảo vệ và phát triển loại cây này cùng với việc bảo tồn và phát huy nghề đan võng Ngô đồng là hết sức cần thiết, góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch mới trên đảo…
Ngô đồng đỏ ở xứ cù laoNgô đồng đỏ ở xứ cù lao
Nở rộ mùa hoa ngô đồng đỏ Cù Lao ChàmNở rộ mùa hoa ngô đồng đỏ Cù Lao Chàm
Ngô đồng đỏ và nghề đan võng ở Cù Lao Chàm
Cây Ngô đồng ở Cù Lao Chàm có hoa màu đỏ nên được gọi là Ngô đồng đỏ, đặc hữu hiếm có

Năm 2023, ở xã đảo Tân Hiệp đã hình thành thêm HTX Du lịch Làng nghề truyền thống Cù Lao Chàm. Mới đây, HTX đã tổ chức ra mắt và khai trương Điểm trải nghiệm đan võng Ngô đồng tại chợ Bãi Làng, xã Tân Hiệp. Chị Cao Thị Phương - Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, hướng đi của HTX là kết nối cộng đồng làm du lịch, các hộ sản xuất nghề truyền thống tại địa phương, đặc biệt là nghề đan võng Ngô đồng nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, thúc đẩy, nâng tầm giá trị sản phẩm địa phương. “Không những vậy, điểm trải nghiệm đan võng Ngô đồng là nơi HTX giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước một sản phẩm mang giá trị nghệ thuật, sáng tạo của những nghệ nhân trên đảo”, chị Phương nói.

Cây Ngô đồng ở đảo Cù Lao Chàm là loại cây đặc hữu hiếm có, thường được gọi là Ngô đồng đỏ vì hoa có màu đỏ, đã được công nhận là cây di sản. Ngô đồng đỏ ở Cù Lao Chàm mọc rải rác khắp đảo từ độ cao 50m đến gần 500m, tập trung trên sườn núi phía tây, từ dốc xóm Mới đến bãi Cụt với chiều dài khoảng 1km. Cây Ngô đồng đỏ ưa đất phát triển trên đá granít có đá lộ đầu lớn. Ở đây, gió bão nhiều, đất khô, tầng mỏng nên cây chỉ cao khoảng 5 - 10m; thân cây to, đường kính trung bình 60 - 80cm, phân cành sớm, gốc thân vặn vẹo, xù xì, giống như thân các cây đại cổ thụ được trồng ở đình chùa.

Ngô đồng đỏ và nghề đan võng ở Cù Lao Chàm
Du khách chụp hình lưu niệm với hoa Ngô đồng đỏ trên tuyến đường rừng từ Bãi Làng đi Bãi Hương, xã đảo Tân Hiệp

Đầu mùa hạ, vào khoảng tháng 4 lá cây bắt đầu ngả màu vàng, tháng 5 lá vàng bắt đầu rụng đến hết tháng 6, vào tháng 7, tháng 8 cây trổ hoa đẹp trên cành đã trút hết lá. Nhìn lên sườn núi lúc này, ta thấy từng vệt màu đỏ tươi rực rỡ, chính là hoa Ngô đồng nở rộ, toàn cây như được bao phủ bởi hoa. Tháng 9 cây ra lá non và kết quả vào tháng 10 khi mùa khô kết thúc. Mùa mưa đến, quả Ngô đồng chín đều và phát tán khắp nơi, hạt tiếp đất có độ ẩm cao sẽ nảy mầm thành cây con.

Cây Ngô đồng đỏ, ngoài giá trị trang trí cảnh quan, hấp dẫn khách du lịch, vỏ cây còn được người dân trên đảo dùng làm sợi đan võng, hạt ngô đồng rang lên ăn rất bùi vì chứa nhiều dầu. Nghề đan võng bằng sợi lấy từ vỏ cây ngô đồng là một nét độc đáo, riêng có hấp dẫn ở Cù Lao Chàm. Theo các cụ cao niên ở đây cho biết, võng đan từ sợi vỏ cây Ngô đồng đỏ rất bền, nằm êm và có tác dụng chữa bệnh đau lưng. Tuy nhiên hiện nay, nghề đan võng đang dần bị mai một, một phần do nguyên liệu sợi lấy từ cây ngô đồng ngày càng khan hiếm, giá thành cao, nên nghề này chỉ còn rất ít gia đình duy trì. Người biết nghề này cũng chỉ còn vài cụ bà, hầu hết tuổi đã cao. Cụ bà Lê Thị Kề - người đã làm nghề đan võng ngô đồng hơn 50 năm qua nói: “Nghề đan võng ni ở Cù Lao Chàm có từ lâu đời rồi chứ không phải mới đây. Tôi làm dâu rồi học nghề của bà gia tôi. Tôi làm đã hơn 50 năm ni, bây giờ tôi đang truyền lại nghề được 2 người. Nếu ai muốn học thì tôi đem hết khả năng để truyền lại cho mấy con mấy cháu!”.

Ngô đồng đỏ và nghề đan võng ở Cù Lao Chàm
Các bà cụ và thợ học nghề đan võng từ sợi vỏ cây Ngô đồng tại Điểm trải nghiệm đan võng Ngô đồng, chợ Bãi Làng, xã Tân Hiệp

Điểm trải nghiệm đan võng Ngô đồng tại chợ Bãi Làng, xã Tân Hiệp được đưa vào hoạt động cũng là cơ sở dạy nghề, góp phần bảo tồn nghề đan võng Ngô đồng truyền thống độc đáo, đặc sắc này. Đến dự khai trương điểm trải nghiệm đan võng này, ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng Ban Thư ký Ban quản lý Khu DTSQ thế giới Cù Lao Chàm - Hội An rất cảm kích vì sự có mặt của những người được coi là già làng, những người có thể gọi là “giáo viên dạy nghề”. “Các cô, các bác này bây giờ không còn nhiều mà nếu không có tâm huyết, không có mong muốn truyền lại nghề này cho thế hệ trẻ thì càng khó gấp bội phần. Đó là sự may mắn và một điều may mắn nữa là cộng đồng du lịch ở Cù Lao Chàm đã nắm bắt được thời cơ, thời điểm quan trọng này với sự hỗ trợ của chính quyền để cho ra mắt điểm trải nghiệm thiết thực này”, ông Thảo nói.

Ngô đồng đỏ và nghề đan võng ở Cù Lao Chàm
Du khách trải nghiệm móc, đan sợi vỏ cây Ngô đồng tại Điểm trải nghiệm đan võng

Ngô đồng đỏ là một loài cây bản địa, đa tác dụng, rất đặc trưng của quần đảo xinh đẹp Cù Lao Chàm. Việc bảo vệ và phát triển cây Ngô đồng đỏ, bảo tồn và phát huy nghề đan võng Ngô đồng ở Cù Lao Chàm là hết sức cần thiết, để tạo thêm sản phẩm du lịch mới và góp phần nâng cao đời sống người dân. Ông Mai Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp chia sẻ: “Chính quyền địa phương rất mong các doanh nghiệp và bà con nhân dân tiếp tục đồng hành cùng địa phương để gìn giữ cây Ngô đồng này và tạo thêm những sản phẩm mới, góp phần phát triển du lịch của địa phương; đồng thời bảo tồn được nghề đan võng Ngô đồng đã có tuổi hàng trăm năm!”

Năm 2022, Festival “Cù Lao Chàm - Mùa hoa Ngô đồng đỏ” lần đầu tiên được tổ chức đã trở thành “ngày hội hoa” của đảo, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, thưởng ngoạn những đoạn đường nở rộ hoa Ngô đồng. Rồi đây, khách du lịch không chỉ đến đảo vào tháng 6, tháng 7, tháng 8 khi mùa hoa nở rộ mà vào tháng 9, tháng 10 để còn được chiêm ngưỡng cảnh những quả Ngô đồng bay theo gió như những đàn én lượn và cùng thưởng thức hương vị của hạt Ngô đồng. Còn khi rời khỏi đảo, du khách sẽ mua quà lưu niệm là những chiếc võng và nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ sợi vỏ cây ngô đồng để ghi nhớ chuyến du lịch ra nơi “Đảo xanh huyền thoại” này.

Đỗ Huấn/ Đài Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An

https://dulich.petrotimes.vn/

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]