Ngôi chùa cổ “giấu” kho báu Bảo vật Quốc gia

14:01 | 03/06/2021

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Với người dân Bắc Ninh, tên chùa Bút Tháp (Thuận Thành) quá đỗi quen thuộc và cũng chẳng xa lạ với du khách gần xa. Chốn thiền tịnh linh thiêng, trầm mặc, nửa hiện thực nửa hư vô này hiện đang cất giữ 4 Bảo vật Quốc gia.
Đắm mình trong sự yên bình tại chùa Địa Tạng Phi Lai TựĐắm mình trong sự yên bình tại chùa Địa Tạng Phi Lai Tự
Quần thể di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Núi Mằn - Điểm du lịch hấp dẫnQuần thể di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Núi Mằn - Điểm du lịch hấp dẫn
Ngôi chùa cổ “giấu” kho báu Bảo vật Quốc gia
Tích Thiện Am chùa Bút Tháp.

Bốn Bảo vật Quốc gia đó là: Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2012 và 3 Bảo vật vừa mới được công nhận tháng 1-2021 là: Tượng Tam thế, Tòa Cửu phẩm Liên Hoa (còn gọi Cối kinh) và Hương án. Theo nhận định của giới nghiên cứu, đây mới chỉ là những hiện vật được lập hồ sơ, còn rất nhiều báu vật quý hiếm, độc nhất vô nhị mà di tích đặc biệt quan trọng này còn đang cất giữ...

Nổi tiếng bởi vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm của kiến trúc nghệ thuật Phật giáo đậm phong cách hoàng gia thời Lê Trung Hưng, vừa mộc mạc với gỗ lại rắn rỏi kiên cường với đá, chùa Bút Tháp luôn khiến người đời khôn nguôi cái ước muốn tìm đến đằm điệu, chiêm nghiệm trong không gian dùng dằng hết sức đặc biệt, nửa kín nửa mở, nửa hiện thực nửa hư vô, giữa sự giải thoát với khát vọng lưu luyến trần ai, rất đạo mà cũng rất đời, thanh tĩnh mà xáo động, dân gian mà uyên bác. Có du khách vãng cảnh chùa ban ngày, rồi ở lại chiêm ngưỡng, “trò chuyện” cùng những pho tượng Phật ban đêm đã thốt lên “đây là chùa hay là cõi nào, là đạo hay là đời, là chốn siêu thoát thanh tịnh hay cõi trần thế xáo động”.

Ngôi chùa cổ “giấu” kho báu Bảo vật Quốc gia
Kiến trúc điêu khắc đá được thể hiện sinh động, thành công ở di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bút Tháp.

Bút Tháp vốn là một chùa làng bé nhỏ của làng Thấp (còn gọi Kẻ Thấp) hoang phế vào cuối đời Trần, sau đó, vua chúa, hoàng hậu, công tử, phi tần, tầng lớp quý tộc, quan lại thời Lê-Trịnh về hưng công xây dựng rồi xuất gia tu hành, hộ trì ở đây.

Kể rằng, Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc- “người vợ chính trị” của vua Lê Thần Tông thường về chùa Phật Tích nghe thiền sư Chuyết Chuyết thuyết pháp. Một lần từ núi Lạn Kha, miền Phật Tích sang vùng Dâu, khu vực Đình Tổ (Thuận Thành) vãn cảnh, thấy ngôi danh lam cổ tự của làng Nhạn Tháp xơ xác, tiêu điều, bà hoàng Ngọc Trúc xót xa, đau lòng, tâu lên cha là chúa Trịnh Tráng và xin phép chồng là vua Lê Thần Tông để hoàng gia hưng công chùa. Được vua chúa chấp thuận, đích thân hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc làm quy hoạch, cái gì không biết thì hỏi thiền sư Chuyết Chuyết. Bà giữ nguyên chùa làng cũ làm nhà thờ tổ bên phải, còn chùa chính được thiết kế với 9 công trình nằm trên trục thần đạo Bắc - Nam, thẳng hướng với chùa Phật Tích.

Sự giúp đỡ to lớn về vật chất và tinh thần của hoàng gia cùng sự cố vấn sát sao của Thiền sư Chuyết Chuyết và đệ tử Minh Hành, việc xây dựng chùa hoàn tất vào năm 1647, đặt tên là Ninh Phúc Thiền tự- chùa Ninh Phúc. Sau khi Chuyết Công Hòa thượng viên tịch, được xây tháp đá nổi tiếng Báo Nghiêm để tưởng niệm. Sư Minh Hành thay thầy trụ trì chùa Bút Tháp, trở thành vị tổ thứ hai của chùa. Năm 1659, Minh Hành Thiền sư viên tịch, tháp đá Tôn Đức được xây cho ông. Khi tháp hoàn thành, bà hoàng Trịnh Thị Ngọc Trúc và các đệ tử của sư cho khắc hai bộ kinh đồng đặt trong lòng tháp, lưu tặng người về Niết Bàn. Hai cuốn kinh đồng này sau đó được phát hiện trong lòng tháp vào tháng 2-2009 khi tu bổ tháp Tôn Đức. Đây là hai cổ vật quý hiếm có thể nói là duy nhất ở Bắc Ninh. Cơ quan chuyên môn của tỉnh kịp thời thu nhận hai cuốn kinh đồng để làm bản sao rồi trao trả lại chùa bản gốc vào tháng 7 cùng năm.

Ngôi chùa cổ “giấu” kho báu Bảo vật Quốc gia
Tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Bút Tháp - một trong ba Bảo vật Quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đợt tháng 1/2021.

Về nhân vật chính đứng ra hưng công, tái thiết chùa Bút Tháp - Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc. Năm 1630, giữa lúc đang đau đớn cùng cực vì cái chết của chồng, bà Ngọc Trúc bị cha là chúa Trịnh Tráng ép gả cho vua Lê Thần Tông để lập làm Hoàng hậu. Bà hơn vua cả chục tuổi, trước đó đã lấy chồng là Cường Quận công Lê Trụ (bác họ của vua) và sinh được 4 người con. Cuộc hôn nhân này cả vua và bà đều không muốn. Sử chép, sau khi Lê Trụ phạm tội bị giam trong ngục, chúa Trịnh Tráng đem Ngọc Trúc gả cho vua, vua lấy vào cung. Triều thần nhiều lần dâng sớ can. Vua không nghe và nói rằng: “Xong việc thì thôi, gượng lấy vậy!” Từ hôm ấy trở đi, trời mưa dầm mấy ngày đêm không ngớt”.

Phải chăng, từ nỗi thống khổ tận cùng và nỗi khát khao giải thoát cháy bỏng, Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đã tìm ra được cái “hằng số kiến trúc” cho Bút Tháp, để lại cho hậu thế một công trình tuyệt mỹ. Cái hằng số mà người đời bảo là nó chứa hồn dân tộc. Từ ngoài nhìn vào, ngôi chùa trông rất nhỏ nhưng càng đi sâu vào lại càng mở, mở mãi, hun hút, bất tận trong một tổng thể hoạch định chặt chẽ mà chi tiết lại rất sinh động và tự do, không cô liêu, tẻ nhạt, làm cho con người cảm thấy mình nhỏ bé trước ngoại cảnh không cùng. Trong không gian ấy dường như chứa cả thời gian...

Trải thăng trầm lịch sử, ngôi chùa vẫn giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc nghệ thuật từ thế kỉ 17 với nhiều mảng chạm khắc, trang trí đặc sắc trên gỗ, đá. Chùa Bút Tháp bây giờ là một di tích quan trọng của Quốc gia được xếp vào hạng đặc biệt. Hệ thống di vật, cổ vật còn lưu giữ tại đây vô cùng phong phú, giàu tính nghệ thuật, với gần 100 pho tượng gỗ tạc trong nhiều tư thế đứng, ngồi, quỳ với nét mặt sinh động, biểu hiện nội tâm sâu sắc với ý nghĩa Phật giáo cao cả. Đặc sắc nhất là Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay do tiên sinh họ Trương và các cộng sự phụng chỉ Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc tạo khắc ròng rã suốt 9 năm (từ 1647-1656). Khi hoàn thành, tác phẩm được đánh giá là tuyệt phẩm điêu khắc “vô tiền khoáng hậu”. Với nghìn con mắt và nghìn cánh tay, Phật Bà như nhìn thấu vũ trụ, vươn tới những cõi xa xăm diệt tà, giúp đời, giúp đạo.

Cùng với điêu khắc gỗ, chùa Bút Tháp còn có trên 50 bức chạm đá phong phú hình chim thú, hoa, cây... đường nét, hình khối rõ ràng, không cầu kỳ nhưng chắt lọc, tất cả đều hiện thực nhưng giống như thoát khỏi trạng thái tự nhiên. Giới nghiên cứu cho rằng, chưa một di tích nào mà đá được khai thác vào nghệ thuật điêu khắc trang trí một cách triệt để và thành công như ở chùa Bút Tháp. Hệ thống đồ thờ tự cũng vô cùng phong phú và quý báu có niên đại vào thế kỷ 17-18 như: Tượng thờ, bia đá, các bức đại tự, chuông đồng, hương án, sập thờ, tòa Cửu phẩm liên hoa… Đó là kho báu vật vô giá, là niềm tự hào của vùng đất, vùng người Bắc Ninh-Kinh Bắc.

Là danh lam cổ tự đẹp nhất cả nước giữa Kinh Bắc- vùng văn hóa cổ và sâu, song Bút Tháp không chỉ là một ngôi chùa, bởi còn cất giấu tâm sự cuộc đời, nỗi đau của những nhân vật lịch sử trong một giai đoạn đầy biến động. Một chùa Bút Tháp rất đạo và rất đời để cho hậu thế bao chiêm nghiệm...

https://dulich.petrotimes.vn/

Baobacninh.com.vn

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]