Ngôi đền thờ Chúa Bầu dưới chân núi Pú Chè

03:09 | 24/06/2022

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Đền Nghĩa Đô được xây dựng ở bản Nà Đình, xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).

Từ xa xưa, ngôi đền là không gian thực hành tín ngưỡng thờ cúng thành hoàng của đồng bào Tày vùng Nghĩa Đô. Đây là địa chỉ, là điểm nhấn tâm linh trong hành trình khám phá những nét độc đáo của du lịch cộng đồng ở Lào Cai.

Dựa trên lý lịch đền Nghĩa Đô và quá trình nghiên cứu, ghi chép của nghệ nhân dân gian Ma Thanh Sợi thì đền Nghĩa Đô gắn liền với chiến công của hai anh em Chúa Bầu Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật trong thời kỳ khai phá, dựng thành lũy, đánh đuổi giặc ngoại xâm trên dải đất Bảo Yên.

Tại vùng đất Mường Luông (Nghĩa Đô ngày nay), các Chúa Bầu đã cho xây dựng tuyến phòng thủ bảo vệ thành Nghị Lang từ xa; tổ chức khai khẩn sản xuất lương thực tại chỗ phục vụ nuôi quân, mở mang phát triển vùng đất này, và đặc biệt các Chúa Bầu cho phép quân binh người miền xuôi hòa nhập với người bản địa để làm thế đồn trú lâu bền trên miền biên ải. Các Chúa Bầu rút đi, một thời gian sau đó, các cuộc nội chiến diễn ra khiến nhân dân triền miên trong loạn lạc, ly tán.

Ngôi đền thờ Chúa Bầu dưới chân núi Pú Chè
Đền Nghĩa Đô.

Người dân Mường Khuông mong muốn tìm kiếm một vị thần để lập đền thờ cúng, đáp ứng nhu cầu về tâm linh cho dân bản. Qua trao đổi, các bậc bô lão thống nhất đi xin nhánh đền từ Xùng Đô (Trung Đô, Bắc Hà, Lào Cai) về thờ bởi mảnh đất Mường Luông (Nghĩa Đô) và vùng đất Trung Đô có sự liên kết về sự kiện, nhân vật lịch sử của anh em họ Vũ (Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật) đã có công chống nhà Mạc, giặc ngoại xâm phương Bắc, khôi phục nhà Lê, ổn định đời sống cho bà con vùng dân tộc người Tày, các tộc người vùng thượng du.

Theo dân gian, lịch sử dựng đền Nghĩa Đô có nhiều giai thoại huyền bí và linh thiêng. Nghệ nhân Ma Thanh Sợi kể rằng: “Xin được chân nhang từ Trung Đô về, nhân dân vùng Nghĩa Đô đã nhiều lần dựng tạm ở các bản. Tất cả những địa điểm trên đều có hiện tượng gà bặt tiếng gáy, hươu nai kêu khàn tiếng… Sau khi chuyển vị trí thờ đến gốc cây trám ở trên sườn núi Pú Chè được khoảng một tháng, ông Tạo Mường cùng một số vị đến núi Pú Chè để làm các thủ tục xin dựng đền chính thức. Tới nơi chỉ còn lại hòn đá và mấy miếng trầu khô, chuông và lư hương thờ mất tích không rõ nguyên nhân. Người dân trong bản Mường Luông chia nhau đi tìm và thấy chiếc lư hương và chuông nằm trọn trên bãi đất bằng phẳng, phía chân núi Pú Chè. Hiện tượng lạ về chiếc lư hương và chuông tự lăn xuống vị trí đất đẹp, bằng phẳng như vậy, người dân Mường Khuông cho rằng các đức Chúa đã chọn địa điểm đó nên quyết định chọn nơi đây để xây dựng đền”.

Ngôi đền thờ Chúa Bầu dưới chân núi Pú Chè
Cổng vào Đền Nghĩa Đô.

Trải qua thời gian, ngôi đền Nghĩa Đô xưa chỉ còn nền móng trên đồi măng vầu um tùm, rậm rạp. Đến năm 2016, đền Nghĩa Đô được khởi công phục dựng khang trang tại vị trí núi Pú Chè (địa điểm cũ) ở một địa thế cao, thoáng, sơn thủy hữu tình, lưng đền tựa núi, hướng tây, nhìn ra dòng Nặm Luông. Các hiện vật của ngôi đền được gia đình ông Lương Văn Thủ, dân tộc Tày lưu giữ và đến khi đền được phục dựng thì giao lại về đền thờ phụng, gồm trống, chậu đồng, ấm đun nước bằng đồng, lưỡi mác đồng, bộ áo tế, ống đũa, một bộ viết chữ Nho, lá cờ đền, hòm.

Đền Nghĩa Đô được UBND tỉnh Lào Cai xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2016. Đền Nghĩa Đô thờ các vị nhân thần. Người thứ nhất là Vũ Văn Mật (nhân dân gọi là đức Chúa); người thứ hai là Vũ Văn Uyên (nhân dân gọi là đức Tả); người thứ ba là vị tướng người Tày bản Liền có tên là Hoàng Vẩn Thùng (nhân dân gọi là đức chúa Hữu); người cuối cùng được thờ là người cai quản đền (nhân dân gọi là Nàng Công Nương).

Lễ hội chính của đền Nghĩa Đô theo văn hóa cổ truyền từ xa xưa, bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng và tế của đền Trung Đô (Bắc Hà) nên đền Nghĩa Đô lấy ngày 14 tháng 7 âm lịch hằng năm là ngày tế đền. Vào ngày lễ, người dân Nghĩa Đô chuẩn bị lễ vật gồm con trâu 3 năm tuổi, gà, rượu, gạo… Rượu phải được nấu từ lúa nếp nương, gạo phải trên 50 kg, nước dùng để cúng tế phải là nước giếng tại đền. Theo truyền thống, trong ngày lễ, nhà đền phải tiến hành các nghi lễ quan trọng, không thể thiếu như lễ xin mổ trâu, lễ rước kiệu trâu vào đền, lễ tế trâu xin phép được làm thịt chín, lễ dâng hương.

https://dulich.petrotimes.vn/

Nguyễn Thế Lượng/ Báo Đắk Lắk điện tử

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]