Ngọt ngào lẩu mắm rau đồng Miền Tây

09:00 | 04/10/2023

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Mỗi năm cứ vào tầm từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, con nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về như báo hiệu bắt đầu mùa nước nổi. Chính vào thời điểm này các cánh đồng ở Vĩnh Long mênh mông nước, dòng Cổ Chiên cũng khoác lên mình màu áo mới mang đậm hơi thở của hương vị phù sa tạo thành khung cảnh tuyệt đẹp trong đôi mắt của kẻ si tình.
Đặc sản Vĩnh Phúc - Bánh hòn Hội HợpĐặc sản Vĩnh Phúc - Bánh hòn Hội Hợp
Xôi trám đen - Món ăn dân dã nổi tiếng của Cao BằngXôi trám đen - Món ăn dân dã nổi tiếng của Cao Bằng

Mùa nước nổi đổ về mang lại sức sống mãnh liệt cho cấy trái trên dòng Cổ Chiên. Đối với người dân Vĩnh Long đây không phải là thiên tai mà là sự ưu đãi của thiên nhiên với bao sản vật quý giá như cá, tôm, rau đồng… tạo thành những món quà quê không thể thiếu khi du khách có dịp về thăm mảnh đất giàu tình người và đôn hậu này.

Vào mùa mước nổi có rất nhiều loài thủy hải sản từ các con sông lớn đổ về như cá linh, cá lóc, cá rô, cá lăng hơ… đây cũng là lúc người dân trên dòng Cổ Chiên bắt đầu hành nghề chài lưới đánh cá. Cứ tờ mờ sáng là lại bắt gặp những chiếc ghe cào cá đang miệt mài làm việc, hay những tấm lưới văng vội từ những chiếc xuồng nhỏ của ngư dân miền sông nước. Men theo dọc hai bên bờ sông sẽ dễ dàng bắt gặp các chiếc lợp được đặt sẵn từ đêm hôm trước để đến hôm sau mới bắt đầu ra thu hoạch. Đâu đâu trên các đoạn sông đều nhộn nhịp các tiếng ghe tàu hay tiếng cười nói rôm rả của “người mua kẻ bán”.

Ngọt ngào lẩu mắm rau đồng Miền Tây
Ngư dân đánh cá trên sông

Người nông dân Vĩnh Long từ tờ mờ sáng và trở về nhà khi lúc mặt trời đã sắp lặn, cứ quanh quẩn việc đồng áng, nhưng đến mùa nước nổi thì bắt đầu có thêm nghề thứ hai là đánh bắt. Các con tôm, con cá bắt được cũng góp phần làm cho bữa cơm đạm bạc trong gia đình thêm phần phong phú với những con cá sông tươi “roi rói” mới vừa được bắt lên. Cứ vào mùa nước nổi thì lượng cá tôm lúc nào cũng dồi dào, người dân đánh bắt đem ra chợ bán để đổi lấy “đồng ra đồng vô”, còn lại một ít thì để ủ mắm.

Hầu như trên dòng Cổ Chiên loài cá nào cũng có thể đem ủ thành mắm và các loại mắm nào cũng mang cái hương vị đậm chất miền Tây. Có thể nói mắm là thứ đặc sản có mặt trên khắp các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, đi đến đâu người dân cũng chiêu đãi các vị khách quý bằng các món ăn chế biến từ con mắm được ủ sẵn trong nhà.

Công đoạn làm ra con mắm cũng khá cầu kỳ và công phu. Cá sau khi được đánh bắt về được đem đi sơ chế cho thật sạch rồi để thật ráo nước, sau đó ướp với muối cục và đem ủ trong lu khạp. Ủ trong vòng khoảng một tháng rồi mang ra rửa sạch, tiếp tục trộn với thính và xếp trở lại trong lu, dùng một tấm đệm hay một miếng lá chuối đặt lên trên mặt mắm và ép thật chặt để lớp cá phía dưới không bị hở ra, tiếp tục ủ từ 2-3 tháng, đến khi nào thấy lớp mắm phía trên ueng lên một màu đỏ đặc trưng thì việc ủ mắm đã thành công, sau đó trộn mắm với đường đã được thắng, ủ thêm một tuần nữa là có thể đem ra để thưởng thức. Theo các ngư dân nơi đây cho biết cá năm nay đánh bắt được thì phải đợi đến năm sau mới có mắm để ăn hoặc bán, cũng nhờ món nghề truyền thống này mà bà cũng bớt đi một phần trăn trở về kinh tế, tiền nông.

Ngọt ngào lẩu mắm rau đồng Miền Tây
Công đoạn ủ mắm

Nói về mắm thì có hơn chục loại, kể cả các con ba khía cũng có thể đem ủ thành mắm ba khía để thưởng thức, công đoạn ủ cũng tương tự như mắm cá, sẽ dễ dàng bắt gặp các sạp bài bán đủ loại mắm ở chợ, nào là mắm cá linh, cá lóc, cá tra, cá chẽm… Mỗi loại mắm đều được chế biến thành các món ăn phù hợp, thường thì người dân miền Tây sẽ dùng mắm cá sặc, cá linh để nấu lẩu hoặc bâm nhuyễn ra chưng với hột vịt, mắm cá lóc sẽ được đem chưng chung với thịt heo…món nào cũng thơm ngon và chứa đựng tinh tuý của vùng miệt vườn sông nước. Tuy nhiên đối với những người lần đầu chưa quen với việc ăn mắm sẽ cảm thấy khó ăn và khó chịu bởi cái hương vị nồng nàn của nó, nhưng khi đã ăn quen rồi sẽ cảm thấy nhung nhớ cái vị đậm đà trong từng con mắm Cổ Chiên.

Để có được một nồi lẩu mắm mang trọn vẹn vị quê thì trước hết phải kể đến khâu lựa chọn nguyên liệu. Loại mắm được dùng để làm nên món lẩu mắm này nhất định phải là mắm cá linh hoặc cá sặc, ngày nay người ta có thể trộn chung cả hai loại mắm lại để nấu lẩu. Nồi lẩu mắm có ngon hay không quan trọng nhất là phần nước lẩu, con mắm sau khi mua về được đem đi nấu cùng với nước lọc cho đến khi phần thịt rã ra ra hết sẽ đem đi lọc bỏ phần xương. Sau đó phi xả, ớt cùng với hành tím cho đến khi dậy mùi thơm sẽ cho phần nước lọc mắm cá vào nồi và nấu đến khi nước sôi, cuối cùng là nêm nếm gia vị sao cho thật vừa ăn.

Ăn kèm cùng món lẩu mắm là các loại thủy sản được đánh bắt trên sông như cá lóc, cá tra, tôm…cùng với thịt ba rọi, mực hay bạch tuột, món ăn sẽ kém phần đặc biệt nếu thiếu đi sự kết hợp với các loại rau đồng có hơn 20 loại rau đồng ăn kèm với món lẩu mắm này, về phần rau thì có rau muống, rau nhúc, rau đắng, cù nèo, tai tượng…, các loại bông phải kể đến bông so đũa, lục bình… rau quả ăn cùng thì có khổ qua, cà tím… Còn một loại rau đồng biểu tượng của mùa nước nổi chính là bông điên điển hay còn gọi là “hoa mai vàng trên sông”. Du khách sẽ dễ dàng tìm được món lẩu mắm đặc trưng của miền Tây sông nước này ở các nhà hàng và Homestay ở Vĩnh Long qua bàn tay chế biến của các đầu bếp lành nghề nơi đây.

Ngọt ngào lẩu mắm rau đồng Miền Tây
Lẩu mắm mùa nước nổi

Dưới những cơn mua rả rít cuối mùa, cùng người thân và bạn bè quây quần bên nồi lâu mắm rau đồng nghi ngút khói, vừa trò truyện tâm tình vừa thưởng thức hương vị miền Tây thật sự sẽ là một trải nghiệm vô cùng hạnh phúc và ấm áp, để rồi khi quay về nhà du khách sẽ lại cảm thấy bồi hồi thèm đến cái vị mặn nồng và mùi hương thoang thoảng đậm đà của từng con mắm sông Cổ Chiên.

https://dulich.petrotimes.vn/

Quỳnh Như/Vinhlongtourist.vn

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]