Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng, tuyệt tác của thiên nhiên

09:15 | 14/04/2023

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng gần 10km về phía Đông Nam, danh thắng Ngũ Hành Sơn được ví von như một tuyệt tác về cảnh quan thiên nhiên “sơn kỳ thủy tú” với 5 ngọn núi đá vôi. Tên gọi của các ngọn núi được vua Minh Mạng đặt theo 5 yếu tố cấu thành vũ trụ. Ngũ Hành Sơn được vua Minh Mạng đặt tên vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837) dựa vào cấu tạo, vị trí tự nhiên của núi và thuyết âm dương ngũ hành đã đặt tên lần lượt cho các ngọn núi là: Kim Sơn - Mộc Sơn - Thủy Sơn - Hỏa Sơn - Thổ Sơn (riêng Hỏa Sơn có 2 ngọn núi gần kề nên được gọi là Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn) và tên gọi chung cho quần thể là Ngũ Hành Sơn.
Đà Nẵng: Những điểm du lịch tâm linh dành cho du kháchĐà Nẵng: Những điểm du lịch tâm linh dành cho du khách
Cận cảnh chùa Quán Thế Âm - Nơi tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2023Cận cảnh chùa Quán Thế Âm - Nơi tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2023
Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng, tuyệt tác của thiên nhiên
Ngũ Hành Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Trí

Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn được trải dài trên diện tích rộng lớn khoảng gần 2km2, gồm 6 ngọn núi đá vôi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn với nhiều hang động đẹp như động Huyền Không, động Huyền Vi, động Vân Thông, động Tàng Chơn, động Quan Âm...

Các ngọn núi tuy có khác nhau về kích thước, nhưng nhìn từ xa hình dáng khá giống nhau, đặc biệt, mỗi ngọn núi lại có một màu đá riêng biệt: đá Thủy Sơn màu hồng, đá ở Mộc Sơn màu trắng, đá ở Hỏa Sơn màu đỏ, đá ở Kim Sơn màu thủy mặc và đá ở Thổ Sơn màu nâu.

Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng, tuyệt tác của thiên nhiên
Chùa Hương Sơn hướng về phía tây, nhìn ra sông Cổ Cò. Một quang cảnh thật nên thơ trong khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Quang Hiển

Tại đây có nhiều hang động đẹp như: động Huyền Không, động Huyền Vi, động Vân Thông, động Tàng Chơn, động Quan Âm.

Ngũ Hành Sơn từng là trung tâm Phật giáo, hiện nay có 14 ngôi chùa lớn nhỏ tồn tại. Núi Thủy Sơn có 5 chùa, tháp: Chùa Tam Thai, Chùa Linh Ứng, Chùa Tam Tôn, Chùa Từ Tâm, Tịnh thất Hồng Tháp. Núi Kim Sơn có 2 chùa: Chùa Quan Âm, Chùa Thái Sơn. Núi Hỏa Sơn có 3 chùa: Chùa Linh Sơn, Chùa Phổ Đà Sơn, Chùa Ứng Nhiên Phật Tông Tự. Núi Thổ Sơn có 4 chùa: Chùa Long Hoa, Chùa Huệ Quang, Chùa Hương Sơn, Chùa Giác Hoàng Viên. Trong đó có chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng đã được vua Minh Mạng sắc phong Quốc tự vào năm 1825.

Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng, tuyệt tác của thiên nhiên
Một góc Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Quang Hiển

Đặc biệt, hiện nay, danh thắng Ngũ Hành Sơn vẫn còn bảo lưu nhiều di vật, cổ vật, văn bia và hiện vật văn hóa Phật giáo có giá trị như: đài thờ phong cách nghệ thuật Đồng Dương ở trước sân chùa Linh Ứng; đài thờ phong cách nghệ thuật Đồng Dương ở hang Chiêm Thành thuộc động Tàng Chơn; đài thờ phong cách nghệ thuật Đồng Dương ở động Huyền Không, hai trụ cửa đá sa thạch ở trên đường lên chùa Tam Thai (đây có thể là những trụ cửa của một ngôi tháp Chăm đã bị đổ và được chuyển về vị trí hiện nay); bệ đá hình vuông mang phong cách Mỹ Sơn A1 ở sân chùa Linh Ứng; tượng linga-yoni ở động Tàng Chơn; các tượng hộ pháp ở động Tàng Chơn; 03 tượng nữ thần Po Inư Nagar ở động Huyền Không và động Tàng Chơn; gạch Chăm lát nền động Huyền Không; văn bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật (Phật trong hang thiêng núi Phổ Đà) ở động Hoa Nghiêm được khắc trực tiếp trên vách đá vào năm Canh Thìn (1640), do Thiền sư Huệ Đạo Minh trụ trì chùa Phổ Đà biên soạn; văn bia chùa Thái Bình (chùa gần ngọn Thủy Sơn và Thổ Sơn) tạo dựng ngày 11 tháng 7 năm Tân Sửu ghi rằng, trước đây có vị đại sư Lưu Chân Dĩnh, người tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đến đây dựng chùa hành đạo…

Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng, tuyệt tác của thiên nhiên
Vườn hoa xuân dưới chân ngọn Thủy Sơn

Tháng 11/2022, “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam” chính thức được Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn” là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn, với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.

Đặc biệt, với nhiều lần tuần du Ngũ Hành Sơn, vua Minh Mạng ngự bút cho 7 bia ma nhai đại tự cho các hang động: Huyền Không, Tàng Chơn, Vân Thông, Linh Nham, Động Thiên Phước Địa, Vân Căn Nguyệt Quật, Vân Nguyệt Cốc.

Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng, tuyệt tác của thiên nhiên
Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn

Ma nhai Ngũ Hành Sơn là phương tiện để cho các tên làng xã xưa hóa thạch, lưu giữ mấy trăm năm qua và cho mai sau. Nhiều địa danh trên ma nhai Ngũ Hành Sơn đã chứng minh được lịch sử nhiều làng cổ lâu đời ở Đà Nẵng và Quảng Nam hiện nay. Đây chính là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm bởi những giá trị nhiều mặt về lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục.

Trong đó, ma nhai “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” lưu giữ những “ký ức” về mối giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa Việt Nam với các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực cũng như vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong hôn nhân quốc tế vào thế kỷ 17.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn, còn gắn với làng đá Non Nước - một làng nghề truyền thống gần 400 năm, gắn với lễ hội Quán Thế Âm – thu hút hàng vạn du khách đến dự vào tháng hai âm lịch hàng năm. Đến với làng đá Non Nước, với khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, du khách cảm nhận sự thư thái, nhẹ nhàng trong một không gian tĩnh lặng, trầm mặc và huyền bí của những ngôi chùa trên núi Ngũ Hành Sơn, đến cảm giác rộn ràng như đang hòa mình trong những thanh âm rộn rã phát ra từ mũi ve đục đá dưới những đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đang gieo ý tưởng trên những khối đá thô cục thành các tác phẩm nghệ thuật.

Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng, tuyệt tác của thiên nhiên
Giải đua thuyền truyền thống tại Lễ hội Quán Thế Âm năm 2023 trên sông Cổ Cò

Ngũ Hành Sơn có một vẻ đẹp riêng có, đó là vẻ đẹp hài hòa của một vùng sinh thái tự nhiên đan xen đời sống văn hóa tâm linh. Chùa chiền, hang động hòa quyện với nhau như hình với bóng. Chính với yếu tố này, Ngũ Hành Sơn mang một vẻ đẹp vừa thoáng đãng lãng mạn, vừa trầm mặc cổ kính.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận Di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia vào năm 1980. Ngày 24/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng di tích cấp quốc gia danh thắng Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đây là di tích thứ 2 của Đà Nẵng, sau thành Điện Hải được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Ngày nay, Ngũ Hành Sơn trở thành biểu tượng văn hóa của thành phố Đà Nẵng, là điểm tham quan nổi tiếng đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Xuân Hòa/ danang.gov.vn

https://dulich.petrotimes.vn/

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]