Người có tính tự chủ cao từ nhỏ sẽ sống lâu hơn

01:05 | 14/01/2021

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Trau dồi khả năng tự chủ từ sớm được xem là một yếu tố quyết định thành công.
Công dụng chữa bệnh hiệu quả và những bài thuốc hay từ Lá LốtCông dụng chữa bệnh hiệu quả và những bài thuốc hay từ Lá Lốt
Tại sao Rong biển lại được ưa chuộng đến vậy?Tại sao Rong biển lại được ưa chuộng đến vậy?
Người có tính tự chủ cao từ nhỏ sẽ sống lâu hơn
Ảnh: Stuff.co.uk

Các nhà nghiên cứu tại hai trường đại học Duke và Michigan còn phát hiện rằng những người có mức độ tự chủ cao từ thuở nhỏ thường khỏe mạnh hơn khi đến tuổi trung niên.

Nghiên cứu định nghĩa tự chủ là khả năng kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc và hành động của bản thân cũng như có kế hoạch làm việc để đạt được mục tiêu đề ra. Trong nghiên cứu mới công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, nhóm chuyên gia đã theo dõi 1.000 người (sinh năm 1972-1973) ở New Zealand từ khi chào đời cho đến 45 tuổi. Giáo viên, cha mẹ và bản thân những người tham gia giúp đánh giá khả năng tự chủ của họ ở các độ tuổi 3, 5, 7, 9 và 11. Mức độ bốc đồng, tính kiên nhẫn và tình trạng tăng động giảm chú ý của họ cũng được các nhà nghiên cứu theo dõi. Khi những người tham gia đến tuổi 26, các chuyên gia bắt đầu tìm kiếm các dấu hiệu lão hóa ở các cơ quan khác nhau và não bộ.

Nhìn chung, những người thể hiện tính tự chủ cao từ nhỏ có tốc độ lão hóa chậm hơn khi trưởng thành, những người có mức độ tự chủ cao nhất thậm chí có xu hướng đi bộ nhanh hơn và có khuôn mặt trẻ trung hơn. Phân tích hàng loạt cuộc phỏng vấn trong suốt quá trình nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy những người có khả năng tự chủ tốt hơn khi còn nhỏ được trang bị tốt hơn để vượt qua các thách thức về tài chính, sức khỏe và xã hội khi trưởng thành.

Ðiều quan trọng là, những đứa trẻ có khả năng tự chủ sẽ trở thành người lớn với cái nhìn lành mạnh hơn về quá trình lão hóa, hài lòng hơn với cuộc sống vào độ tuổi trung niên. Bộ não và cơ thể của những người này cũng lão hóa chậm hơn so với những người đồng trang lứa không kiểm soát được các vấn đề của bản thân lúc nhỏ và vị thành niên.

Không bao giờ là quá muộn để rèn tính tự chủ

Các phân tích cho thấy sự tự chủ, không phải chỉ số thông minh (IQ) hay nền tảng kinh tế xã hội, dường như là yếu tố tạo ra sự khác biệt về tuổi tác. Quan trọng hơn, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng không có đặc điểm tính cách nào từ nhỏ mà không thể thay đổi và tính tự chủ là một đặc điểm rất dễ rèn luyện ở mọi lứa tuổi. Do đó, các nhà nghiên cứu hy vọng xã hội sẽ đầu tư nhiều hơn vào việc đào tạo kỹ năng tự kiểm soát. Họ tin rằng những sáng kiến như vậy sẽ có tác động tích cực đến cả tuổi thọ và chất lượng sống của người dân, nhất là người lớn tuổi.

Trưởng nhóm nghiên cứu Leah Richmond-Rakerd, phó giáo sư tâm lý học tại Ðại học Michigan, cho biết dân số ngày càng già đi và sống lâu hơn với các bệnh liên quan đến tuổi tác. Ðiều quan trọng hiện nay là tìm ra những cách giúp mỗi cá nhân chuẩn bị tốt cho những thử thách trong cuộc sống về già và sống thêm nhiều năm mà không bị khuyết tật. “Chúng tôi nhận thấy rằng rèn luyện sự tự chủ trong giai đoạn đầu đời có thể giúp mọi người chuẩn bị tốt cho quá trình lão hóa khỏe mạnh” - ông kết luận.

5 cách rèn luyện tính tự chủ ở trẻ nhỏ

1. Xây dựng niềm tin. Niềm tin là yếu tố cơ bản nhất của tự chủ. Một đứa trẻ đang đói cần học cách tin rằng thức ăn đang được cha mẹ chuẩn bị, đến giờ ăn chắc chắn sẽ được cho ăn. Như vậy, trẻ sẽ biết kiểm soát cơn thèm của bản thân, không đòi ăn bất chợt.

2. Người lớn làm gương. Trẻ học cách kiểm soát cảm xúc từ người lớn. Khi con quấy khóc, cha mẹ cần giữ thái độ bình tĩnh, điềm nhiên để giải quyết vấn đề, đừng giận dữ hoặc la hét khiến trẻ hiểu sai đó là cách làm cần thiết để đạt mục đích.

3. Ðộng lực rèn tính kiên nhẫn. Trẻ cần có động lực để tuân thủ các quy định, cả trong học hành và vui chơi. Chẳng hạn, khi được dạy kiên trì tập sút bóng giúp sút vào khung thành chính xác hơn, trẻ sẽ hiểu rằng không nên nôn nóng mỗi khi làm một việc nào đó.

4. Kỷ luật. Buộc trẻ từ bỏ thứ gì đó mà trẻ đang muốn có không phải là kỷ luật. Thay vào đó, cha mẹ cần dạy con biết là cần tuân thủ và thực hiện những yêu cầu nhất định mới đạt được thứ mong muốn. Cha mẹ có thể đặt ra giới hạn phù hợp cho con.

5. Thực hành. Não bộ của trẻ em không ngừng phát triển và đạt mức hoàn thiện vào tuổi 25. Do vậy, trẻ cần rèn luyện để củng cố vỏ não trước trán - vốn chi phối lý trí và hành động, từ đó phát triển khả năng tự chủ tốt hơn khi trưởng thành.

https://dulich.petrotimes.vn/

Hoàng Điểu/BĐT Cần Thơ

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]