Nhớ thương bánh lẳng Chiêm Hóa

14:04 | 03/04/2022

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Bánh lẳng? Chắc hẳn nhiều người đã từng thưởng thức. Nhưng hương vị bánh lẳng do người dân một số xã như Trung Hòa, Vinh Quang, Tân Thịnh, Linh Phú của huyện Chiêm Hóa gói không phải ai cũng từng biết đến.

Còn tôi, ấn tượng bởi mùi ngai ngái đặc trưng mà chất chứa sau lớp vỏ là màu vàng sóng sánh như mật ong của chiếc bánh. Thú nữa, chỉ cần cắn nhẹ một miếng, vị thanh mát của chiếc bánh sẽ khiến bạn vô cùng thấy đã, có thể gây nghiện luôn từ giây phút đó.

Nhớ thương bánh lẳng Chiêm Hóa

Món bánh này phổ biến đến mức hầu như nhà nào ở nơi này cũng biết gói. Không chỉ gói trong dịp lễ, Tết mà chỉ cần rảnh rỗi họ lại gói bánh. Bà Nguyễn Thị Điện, thôn Soi Trinh, xã Trung Hòa giãi bày, các con bà đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Lúc nào các con về, bà cũng đều gói bánh lẳng để cho con, cháu thưởng thức. Nhìn mấy đứa cháu vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon bà thấy rất hạnh phúc.

Còn với bà Hà Thị Lục, thôn Ngọc Lâu, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa), bánh lẳng bà vẫn gói hàng ngày để mang đi chợ bán. Cái hay là không chỉ bán cho du khách, mà người dân ở đây đều chuộng bánh này. Họ mua bánh để ăn sáng hay dùng thay bữa trưa, bữa tối khi nhỡ bữa. Vì thế, khách hàng của bà không phải người xa lạ mà chính là những người hàng xóm, láng giềng thân quen. Bánh gói không ngon, không chuẩn bà tuyệt đối không mang bán. Rồi bà chia sẻ, để làm món bánh này khá kỳ công. Các nguyên liệu cần có gồm lá dong, gạo nếp nương, vỏ nhãn khô cùng mật mía. Đây đều là những nguyên liệu luôn sẵn trong những căn bếp của người Tày.

Để tạo được mẻ bánh lẳng ngon, người chế biến phải trải qua khá nhiều công đoạn. Công đoạn đầu tiên là chuẩn bị nước tro. Phải lấy những loại cây lá như cây sắn, cây nhãn, cành bưởi, cây vừng đã hái quả, vỏ bưởi, lá chuối, thậm chí là rơm sau đó rửa sạch, phơi thật khô để đốt lấy tro. Gạo làm bánh phải là gạo nếp ngon, đãi sạn, dùng nước tro để ngâm. Ngâm gạo là cả một quy trình và kinh nghiệm. Gạo có màu trắng đục, đổ vào ngâm phải thay nước tro ba lần trong khoảng 9-10 tiếng đồng hồ, cứ 3 giờ thay một lần nước, như thế mới đủ độ thẩm thấu nước tro vào hạt gạo. Đến khi hạt gạo chuyển từ màu trắng đục sang màu vàng nhạt có ánh hơi xanh, lấy tay chà xát, hạt gạo nhuyễn thành bột là đạt yêu cầu.

Nhớ thương bánh lẳng Chiêm Hóa
Bánh lẳng là món bánh truyền thống của đồng bào Tày Chiêm Hóa.

Theo người dân nơi đây, bánh lẳng đã có từ rất lâu đời. Từ khi còn nhỏ, họ đã thấy bánh lẳng không thể thiếu trong mâm cỗ dâng lên tổ tiên. Bánh tượng trưng cho sự no đủ của gia đình người Tày. Nay, bánh lẳng là món ăn phổ biến cho thấy đời sống đồng bào Tày ngày một sung túc hơn. Bởi thế, chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên khi bánh đặc sản này trở thành món ngon thết đãi khách trong dịp lễ, Tết hay gia đình có việc quan trọng. Và tại các buổi chợ phiên, món bánh này cũng theo các bà, các mẹ và du khách trong các giỏ hàng xách tay mang về.

https://dulich.petrotimes.vn/

Hải Yến/ Tuyên Quang cuối tuần

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]