Phát triển kinh tế trang trại gắn với du lịch nông nghiệp

19:38 | 12/05/2021

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Lâm Đồng là một địa phương có thế mạnh và tiềm năng phát triển nông nghiệp quy mô trang trại gắn với du lịch nông nghiệp (hay du lịch canh nông). Tuy du lịch trang trại canh nông tại Lâm Đồng là một thị trường du lịch mới nhưng lại có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương những năm gần đây.
Phát triển kinh tế trang trại gắn với du lịch nông nghiệp
Du lịch trải nghiệm tại Langbiang Farm (Green box) Đà Lạt.

Trong những năm gần đây, bên cạnh du lịch nông nghiệp truyền thống thì du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch trải nghiệm nông nghiệp đã và đang phát triển mạnh mẽ với đa dạng các mô hình trang trại, nông trại có quy mô khác nhau, với các tài nguyên nông nghiệp như rau, hoa, củ, quả, trà, cà phê, chăn nuôi (trang trại bò sữa, dế, tơ tằm), thảo dược, các sản phẩm chế biến, đóng gói... Với lợi thế về tài nguyên cảnh quan, khí hậu, đất đai, địa hình, sự phát triển du lịch nông nghiệp tại Lâm Đồng đã góp phần thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và phát triển du lịch nói chung. Năm 2008, số lượng các trang trại, nông trại tại Lâm Đồng là 479 thì đến nay con số này đã tăng lên 942 trang trại với quy mô sản xuất 4.480 ha. Để phát triển du lịch canh nông phát huy hiệu quả, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được Trung ương cho cơ chế đặc thù, tạo bước đột phá nhằm thu hút đầu tư vào du lịch hiệu quả; phát triển những sản phẩm du lịch mới lạ, gắn kết giữa các ngành như nông nghiệp, công nghiệp để hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, trong đó có du lịch canh nông.

Quyết định số 2644/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và Quyết định số 2291/QĐ-UBND về Ban hành bộ tiêu chí công nhận mô hình “Tuyến du lịch canh nông” và “điểm du lịch canh nông” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng: Bước đầu xây dựng 25 điểm du lịch canh nông; theo đó sẽ có hai khu vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Lạt được chọn để đưa vào thực hiện thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp là khu phố Hồ Xuân Hương và khu Trại Mát. Khu phố Hồ Xuân Hương (phường 9) là khu dân cư có truyền thống làm nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Khu vực Trại Mát (phường 11) là một vùng trồng rau, hoa, củ quả chủ yếu của Đà Lạt. Do có định hướng dài hạn, xác định các tiêu chí phù hợp và các chính sách có tính khả thi cao, nên du lịch canh nông đã mang lại giá trị tổng hợp cho ngành nông nghiệp và góp phần tạo đột phá cho ngành du lịch Lâm Đồng.

Hiện nay, có thể nói vai trò của các chủ thể Trang trại, Hợp tác xã nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thu hút khách du lịch và giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các Công ty lữ hành nắm được nhu cầu của du khách để tạo sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách với chi phí thấp. Thông qua du lịch canh nông giúp một bộ phận du khách có điều kiện ôn lại truyền thống ở những gia đình xuất thân từ nông dân nhưng hiện tại đang sinh sống và làm việc ở các đô thị lớn, nay có dịp quay trở lại trải nghiệm thực tế đồng ruộng, thông qua trải nghiệm sẽ có tính giáo dục thế hệ trẻ đối với với sản xuất nông nghiệp. Thông qua du lịch canh nông, chính du khách sẽ là động lực để các chủ trang trại, nông hộ và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ liên tục cải tiến sản phẩm, đầu tư công nghệ mới và tác phong phục vụ du khách sẽ nâng cao, có tính chuyên nghiệp hơn.

Phát triển kinh tế trang trại gắn với du lịch nông nghiệp
Tham quan trải nghiệm tại trung tâm nghiên cứu và thực nghiệm nông nghiệp Đà Lạt

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các trang trại gắn với phát triển du lịch nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế nhất định: Sản xuất của các trang trại chưa thật dự bền vững, phần lớn chất lượng sản phẩm chưa được quản lý chặt chẽ; Chủ trang trại chủ yếu là nông dân, không được đào tạo chuyên môn về quản lý, chưa chú trọng quảng bá sản phẩm, thiếu thông tin về thị trường, lực lượng lao động tại các trang trại chưa được đào tạo nghề cơ bản cũng như tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về du lịch; Cơ chế chính sách hỗ trợ các trang trại phát triển du lịch nông nghiệp còn thiếu, chưa được quan tâm đúng mức; Cơ sở hạ tầng xuống cấp, nhiều cơ sở chưa chú trọng xây dựng khu vệ sinh riêng biệt dành cho du khách; điều kiện vệ sinh môi trường trong các Farm, các trang trại còn chưa tốt; mức thu phí tại các điểm tham quan du lịch canh nông còn chưa có sự thống nhất và đồng bộ, có nơi thu, có nơi không thu…

Mặt khác, ý thức của du khách khi tham quan xả rác, giẫm đạp rau, hoa, bẻ hoa...; nhiều Farm còn phát triển tự phát không theo định hướng của tỉnh làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên và phá vỡ quy hoạch, đa số các trang trại thiếu vốn và khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Một số giải pháp phát triển trang trại du lịch canh nông trong thời gian tới

Thứ nhất, Điều chỉnh các loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thống nhất cơ chế quản lý vận hành đối với từng loại hình du lịch; Rà soát, đánh giá tổng thể các địa điểm du lịch canh nông trên địa bàn toàn tỉnh đối chiếu với các tiêu chuẩn đã được ban hành để quản lý chặt chẽ, tạo một điểm đến chất lượng, hấp dẫn, tạo được sức hút mạnh mẽ và phát huy thế mạnh của du lịch nông nghiệp trong những năm tới hiệu quả.

Thứ hai, Phát triển cơ sở hạ tầng, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch canh nông, xem phát triển trang trại gắn với phát triển du lịch là loại hình gắn phát triển kinh tế tập thể gắn với thương hiệu phát triển “du lịch xanh”, thân thiện với môi trường, là loại hình du lịch với chi phí thấp song có thu nhập cao.

Thứ ba, Có chính sách đặc thù hỗ trợ cho các Trang trại, Hợp tác xã hoạt động sản xuất gắn với hoạt động du lịch từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, công nghệ và giống mới. Từ đó phát triển các sản phẩm mới, phát triển liên kết giữa các Farm với Farm, giữa các vùng với nhau nhằm tạo ra mô hình liên kết chuỗi giá trị từ chủ trang trại, ngân hàng, nhà khoa học và các công ty lữ hành kiểu mẫu để phát triển du lịch canh nông một cách bền vững.

Phát triển kinh tế trang trại gắn với du lịch nông nghiệp
Tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất cả chua Cherry tại Định Farm Đà Lạt

Thứ tư, Nghiên cứu đề xuất các giải pháp hợp lý để phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm thực tiễn cho nhóm du khách theo lứa tuổi, sở thích… với các hình thức thu vé, phí hợp lý, có kiểm soát.

Thứ năm, Tăng cường hỗ trợ các Trang trại, Hợp tác xã nông nghiệp quảng bá xúc tiến du lịch, hỗ trợ đào tạo nghề hướng dẫn viên du lịch canh nông nói riêng và nghiệp vụ kinh doanh du lịch canh nông cho các chủ trang trại cũng như các nông trại nói chung; thực hiện các quy hoạch đồng bộ và khoa học; tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược để phát triển trang trại du lịch canh nông.

https://dulich.petrotimes.vn/

lamdong.gov.vn

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]