Quy hoạch tạo sức bật cho phát triển du lịch làng nghề Hà Nội

20:33 | 05/06/2024

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Làng nghề tại Hà Nội đã và đang góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương. Làng nghề còn là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử phong phú...

Một trong những nội dung được Bộ Chính trị lưu ý đối với hai đồ án quy hoạch lớn của Hà Nội tại Kết luận số 80-KL/TW, đó là xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; phát triển mô hình du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp. Đây có thể coi là định hướng quan trọng, kỳ vọng để vùng nông thôn có nghề tạo sức bật, trở thành điểm nhấn xanh của Thủ đô.

Góp phần lớn cho phát triển kinh tế nông thôn

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề với 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước.

Khách du lịch trải nghiệm làm sản phẩm tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Ảnh: Hải Linh
Khách du lịch trải nghiệm làm sản phẩm tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Ảnh: Hải Linh

Tính đến hết năm 2022, Hà Nội có 318 làng nghề và làng nghề truyền thống tiêu biểu được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã, trong đó có 48 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống, 270 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề.

Tổng doanh thu hàng năm từ các làng nghề trên địa bàn Hà Nội ước đạt bình quân trên 20.000 tỷ đồng. Kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Phần lớn các làng nghề nằm ở trục phát triển phía Tây của Thủ đô, chủ yếu tập trung nhiều ở tỉnh Hà Tây trước đây.

Làng nghề đã và đang góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương. Làng nghề còn là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử phong phú.

Trong đó nổi bật nhất là các giá trị về văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa khác như: công trình kiến trúc đình, chùa, cảnh quan, văn hóa ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, lễ hội... Văn hóa làng nghề, làng nghề truyền thống cùng với di sản truyền thống là những tài nguyên vô giá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.

Điển hình như tại huyện Thường Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Công Thản cho hay, huyện có 126 làng nghề, trong đó có 48 làng nghề được Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống.

Hiện, huyện có 4 làng nghề được UBND Thành phố công nhận điểm du lịch, gồm: điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái, điểm du lịch làng nghề sừng Thụy Ứng và điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm.

Những năm qua, nhờ phát triển du lịch gắn với làng nghề, nguồn thu làng nghề tăng mạnh. Ngoài nguồn thu từ sản phẩm, các dịch vụ du lịch cũng đang tạo nguồn kinh tế lớn cho các làng nghề.

Với tiềm năng trở thành nguồn lực cho phát triển, nhiều chuyên gia cho rằng, việc định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống nhằm phục vụ du lịch là nhiệm vụ cần thiết, Thành phố cần tập trung làm rõ trong các đồ án Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đúng như lưu ý tại Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị. Việc này cũng là để phát triển hệ thống các làng nghề truyền thống - du lịch có trọng tâm, đảm bảo liên kết giữa các làng nghề, sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Loại bỏ bất cập, phát huy hết tiềm năng

Có thể khẳng định, tiềm năng phát triển kinh tế du lịch của các làng nghề của Hà Nội là rất lớn. Những năm qua, nhiều làng nghề trên địa bàn TP đã tận dụng lợi thế sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Có thể thấy như làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm),... đã và đang thành công trong việc phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh văn hóa làng nghề đến với du khách trong và ngoài nước.

Dù đã có những chuyển biến đáng kể, tuy nhiên hiện vẫn còn tồn tại những bất cập của làng nghề trong quá trình xây dựng và phát triển phục vụ hoạt động du lịch như: không gian công cộng, không gian nhà ở, không gian mặt nước,... chưa được quan tâm khai thác phục vụ du lịch.

Không gian đón tiếp, ăn uống, lưu trú, để xe,... chưa đáp ứng được nhu cầu khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm; không gian chế biến, sản xuất hàng hóa, các sản phẩm làng nghề chưa được quan tâm; dịch vụ kinh doanh sản xuất, tiếp thị sản phẩm nhỏ lẻ, tự phát, chưa đồng bộ; thiếu tính hệ thống phục vụ du lịch, kết nối giữa các làng nghề truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và giữa các làng nghề nói chung. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường chưa được quan tâm phát triển đồng bộ nên kém hấp dẫn.

TS. Nguyễn Thị Phương Anh (Trường Đại học Mở Hà Nội) đánh giá, thực tế cho thấy việc đầu tư khai thác phát triển làng nghề gắn với du lịch còn nhiều hạn chế, manh mún, mang nhiều tính tự phát.

Đặc biệt là các giá trị về văn hóa truyền thống và không gian văn hóa, cảnh quan làng nghề chưa được khai thác kết hợp và phát huy trong hoạt động du lịch. Vì vậy, phát triển du lịch làng nghề cần có cách tiếp cận mới trong việc quy hoạch, xây dựng mô hình phát triển để vừa bảo đảm tính bền vững, vừa bảo tồn, phát huy được những giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống.

“Trong quy hoạch xây dựng, tổ chức không gian làng nghề cần đặc biệt chú trọng quan tâm khai thác, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa và không gian văn hóa làng nghề. Và để thực hiện quy hoạch làng nghề truyền thống phục vụ du lịch hiệu quả, cần có định hướng, chủ trương, nguồn vốn của Nhà nước; cần có sự quan tâm vào cuộc của các bên liên quan như các cấp chính quyền, ban ngành địa phương, các tổ chức doanh nghiệp, nhà chuyên môn, cộng đồng dân cư”, TS. Nguyễn Thị Phương Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh việc quy hoạch, tạo lập các không gian, kiến trúc cảnh quan, để đẩy mạnh thu hút khách du lịch, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, bảo vệ môi trường làng nghề cũng là bài toán cần sớm phải giải quyết. Trong đó, sớm có giải pháp quy hoạch, tập trung rác thải, phế liệu lại để xử lý; đồng thời, tăng cường tuyên truyền người dân để tự bảo vệ mình.

“Hiện nay, cơ chế chính sách phát triển làng nghề gắn với bảo môi trường là chưa đủ. Bên cạnh đó, nguồn lực của Nhà nước dành cho vấn đề này chưa bảo đảm. Do đó, cần phải xã hội hóa nguồn lực giúp các làng nghề hạn chế ô nhiễm. Tuy nhiên, chúng ta lưu ý để hài hoà lợi ích, tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Trong đó, phải có các đầu tư nguồn lực, có các giải pháp công nghệ để thu gom, xử lý rác thải, nước thải tại các làng nghề nhằm hạn chế ô nhiễm”, PGS.TS Bùi Thị An nêu quan điểm.

Ngày 4/3/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 73/KH-UBND về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Một trong những mục tiêu tổng quát là: Phát triển và đa dạng hóa kinh tế nông thôn thông qua phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề gắn với nông - lâm - ngư nghiệp có tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, góp phần thực hiện hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.

Theo Báo điện tử Kinh tế & Đô thị

Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Liên hoan Du lịch Làng nghề Hà NộiNhiều hoạt động hấp dẫn tại Liên hoan Du lịch Làng nghề Hà Nội
Du lịch làng nghề: Chưa tạo được dấu ấnDu lịch làng nghề: Chưa tạo được dấu ấn
Hà Nội đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch làng nghềHà Nội đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch làng nghề