Rươi - Món đặc sản khó quên của Trà Vinh

03:06 | 30/05/2021

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Trà Vinh có khoảng 65km bờ biển, thuộc khu vực tiếp giáp của 02 vùng biển Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, có 05 huyện, thị xã giáp biển. Ngoài các nguồn lợi từ nuôi trồng đánh bắt thủy sản, các vùng mặn, lợ của tỉnh còn được thiên nhiên ban tặng loài rươi, không những cung cấp nguồn thức ăn cho tôm, cua mà sau khi qua bàn tay chế biến từ người dân địa phương, trở thành món ăn đặc sản độc đáo của tỉnh Trà Vinh. Đặc biệt, từ nguồn nguyên liệu rươi, đã chế biến nước mắm rươi Long Vinh, thơm ngát, lẫy lừng.
Rươi - Món đặc sản khó quên của Trà Vinh
Ông Lê Minh Nguyện, chủ nhà hàng Bác Ngao kiểm tra nước mắm rươi đã được ủ, phục vụ cho nhà hàng

Vớt rươi, không phải ai cũng biết

Ông Trần Văn Bé Hai, ngụ ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải bộc bạch: Năm nay tôi đã gần 70 tuổi, song không biết rươi có ở vùng đất này từ bao giờ. Các cụ cao niên ở đây kể rằng, từ xa xưa, người dân vùng biển ví con rươi là “rồng đất”. Rươi thuộc bộ giun đốt, có nhiều lông tơ, môi trường sống chủ yếu ở nơi tiếp giáp giữa vùng nước ngọt và nước lợ. Ngày xưa, rươi rất nhiều ở vùng đất Duyên Hải, ven biển, bởi diện tích rừng tự nhiên còn nhiều, nhiệt độ trung bình thấp, lạnh hàng năm, mỗi khi gần tết Nguyên đán thường kéo dài. Từ khi phong trào khai thác rừng để quy hoạch ao nuôi tôm, nuôi cua nhiều, số lượng rươi giảm dần.

Người dân Duyên Hải nói riêng, những người sống ở vùng quê ven biển nói chung, tuy sống gần gũi với vùng rươi, nhưng không phải ai cũng biết cách vớt rươi. Mỗi năm rươi chỉ xuất hiện ngắn ngủi khoảng vài ngày. Đó là vào mùa đông, trước hoặc sau tết Nguyên đán, tùy năm. Khi thời tiết lạnh, triều cường dâng cao, rươi thường nổi và tập trung, nếu vuông nào có rươi, chúng cuộn với nhau thành cục, nên rất dễ vớt.

Rươi sống trong đất, khi phát hiện có rươi ra ngoài nước, người ta dùng vợt lưới loại lỗ nhỏ để vớt, miệng vợt có hình bán nguyệt, như chữ “D”, tụng vợt từ 0,6-0,7m; từ từ lội xuống vuông nơi có rươi, dùng 02 tay cầm thành vợt, sao cho cạnh thẳng của vợt nằm dưới, sau đó đẩy nhẹ, khi rươi vô nhiều trong vợt, thì bỏ vào thùng, cứ thế mà làm. Quá trình vớt rươi, nếu hạn chế cho tạp chất lẫn vào rươi bấy nhiêu, thì sẽ dễ cho việc lựa rươi bấy nhiêu. Trước những năm 1990, khi đến mùa rươi, người dân có thể mang vợt đi kiếm rươi để vớt quanh trong xóm, ấp, do thời điểm đó phần lớn diện tích chưa thả tôm, người này có thể qua vuông của người khác để vớt. Nhưng dần về sau, vuông nhà ai nấy vớt. Vì rươi trong vuông chính là thức ăn bổ dưỡng cho tôm, cá... sẽ góp phần tăng thu nhập cho chủ vuông.

Những món ăn đặc sản chế biến từ rươi: mặn mà, khó quên

Từ khi thị xã Duyên Hải tập trung quy hoạch phát triển du lịch, cùng với một số công trình của Trung ương đã đưa vào sử dụng, thì nhiều nhà hàng, điểm du lịch, dịch vụ du lịch cũng phát triển theo. Trong số đó, có nhà hàng Bác Ngao (do ông Lê Minh Nguyện, sinh năm 1962, làm chủ nhà hàng), tọa lạc tại ấp Ba Động, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải là nơi gắn liền với thực đơn có nhiều món ăn từ rươi. Đặc biệt, chả rươi Bác Ngao là “món ăn chủ lực”. Hiện nay, nhà hàng Bác Ngao lúc nào cũng có gần chục món được chế biến từ rươi: chả rươi, rươi lăn bột chiên, rươi nướng, khô rươi chiên, rươi hấp lá bầu, rươi xút bánh phòng tôm... Riêng nước mắm rươi nguyên chất, là món nước chấm cho tất cả các món rươi nêu trên.

Ngoài các sản phẩm được chế biến từ rươi, theo kinh nghiệm của một số người dân huyện Duyên Hải, rươi được vớt lên đem về nhà đổ vào lu hoặc khạp rồi bắt đầu chế biến nước mắm. Sau đó, pha loãng muối hột với nước rồi đổ vào lu theo tỷ lệ 06 lít muối/01 đôi rươi (bình quân từ 30-35kg). Sau khi rươi phân hủy, nếu sản xuất nước mắm rươi theo phương pháp nấu, người dân tiến hành nấu lần thứ nhất (có phương cách lọc riêng); sau đó, tiến hành nấu lần hai, vớt bọt đen, để nguội và đem vào bồn chứa để ăn dần. Đối với phương pháp sản xuất nước mắm rươi day nắng (phơi nắng, không nấu), tỷ lệ pha chế muối cũng tương tự nhưng không đem nấu mà phơi nắng nhiều ngày (không để nước mưa lọt vào), người làm cần chú ý theo dõi để trộn đều và dùng vợt vớt xác rươi phân hủy đem bỏ; nước mắm day nắng để càng lâu ăn càng ngon.

Cách đậy nước mắm đúng cách là dùng vải xô có độ thưa và thoáng nhất định để đậy kín miệng lu. Đem phơi nắng từ 20 - 30 ngày trở lên là có thể ăn được. Rươi phơi nhiều nắng nước mắm rươi càng “dậy”, càng ngon. Thấy rươi đã dậy mùi, người ta dùng ống nhựa, hút từ từ vào chai để cất giữ sử dụng dần.

Rươi - Món đặc sản khó quên của Trà Vinh

Ông Ngô Văn Phương và vợ dán nhãn nước mắm rươi Long Vinh trước khi đưa ra thị trường

Sản phẩm nước mắm rươi Long Vinh

Nước mắm rươi tự chế biến theo phương pháp thủ công để dành ăn cho mỗi gia đình đã có từ lâu, nhưng thương hiệu Long Vinh để có thể vận chuyển xa, làm quà biếu... chỉ có ở vùng Duyên Hải, Trà Vinh. Nước mắm rươi được nâng lên thành đặc sản Trà Vinh nức tiếng, góp phần làm phong phú cho ẩm thực của tỉnh. Nước mắm rươi Long Vinh tạo được hương vị rất riêng, hậu ngọt lại có màu tự nhiên như màu mật ong nên rất bắt mắt. Ngày 16/01/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 75/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Trà Vinh năm 2019. Trong 30 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận, có sản phẩm nước mắm rươi Long Vinh của ông Ngô Văn Phương, Giám đốc DNTN Phong Vinh, thị xã Duyên Hải.

Tiếp chúng tôi, ông Ngô Văn Phương chia sẻ: Từ khi nước mắm rươi Long Vinh được công nhận sản phẩm OCOP thì người tiêu dùng biết nhiều hơn, sản lượng tiêu thụ tăng cao hơn trước. Nước mắm rươi Long Vinh được sản xuất theo phương pháp gia truyền, từ nguồn nguyên liệu 100% rươi, không sử dụng phụ gia thực phẩm, sản phẩm nước mắm có hương thơm tự nhiên từ rươi.

Vào dịp lễ, Tết, niềm vui của người dân quê biển là có được vài chai nước mắm rươi, đặc sản của quê nhà, gửi tặng cho người thân. Với hương thơm đằm thắm, vị ngọt tự nhiên, đậm đà và dồi dào nguồn đạm, chắc chắn rằng nước mắm rươi sẽ là loại nước chấm được ưa chuộng đối với mọi người.

https://dulich.petrotimes.vn/

travinh.gov.vn

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]