Tây Thiên - Về miền tâm linh

19:30 | 17/07/2021

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 65 km về phía Tây Bắc, Khu danh thắng Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo là một quần thể văn hóa du lịch tổng hợp đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1991.

Khu danh thắng Tây Thiên được tọa lạc trong lòng chảo rừng nguyên sinh Tam Đảo, cảnh sắc thiên nhiên sơn kỳ thủy tú, hùng vĩ, thanh bình. Từ xa, du khách đã nhìn thấy Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong những thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự. Đây là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với các dòng Phật giáo của các nước khác và là một trong những nơi phát tích Phật giáo Việt Nam sớm nhất.

Tây Thiên - Về miền tâm linh
Du khách trên đường tới đền Thượng – Tây Thiên

Khu danh thắng Tây Thiên được tọa lạc trong lòng chảo rừng nguyên sinh Tam Đảo, cảnh sắc thiên nhiên sơn kỳ thủy tú, hùng vĩ, thanh bình. Từ xa, du khách đã nhìn thấy Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong những thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự. Đây là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với các dòng Phật giáo của các nước khác và là một trong những nơi phát tích Phật giáo Việt Nam sớm nhất.

Đền Thượng nằm trên đỉnh núi Thạch Bàn thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu – Bà là Vương phi của Vua Hùng Vương thứ 7. Bà đã cùng Vua hùng mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc, xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị.Với những công lao đó Bà được sắc phong là Quốc Mẫu Tây Thiên.

Bên cạnh Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên là những ngôi đền các vị mẫu thần cai quản trời, đất, núi, rừng như Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Thoải, Mẫu Thượng Địa và Mẫu Thượng Ngàn. Từ đền Thượng, men theo một lối rẽ quanh co trong rừng, qua các khe suối nhỏ, các gốc cây bám rễ sâu vào lòng đất sẽ tới Tịnh thất Tây Thiên. Cảnh vật nơi đây tinh khôi, nguyên sơ và u tịch, nếu đến Tây Thiên vào những ngày hội đầu xuân ta sẽ thấy cảnh nhộn nhịp, người đi ngao du ngắm cảnh, người đi lễ Phật cầu bình an.

Vào những ngày tháng 7 Âm lịch - mùa Vu Lan báo hiếu nên cảnh vật cũng có phần bình yên hơn, không còn dòng ngươi tấp nập. Ngồi trong Tịnh thất nghe các sư cô giảng về đạo làm con, nhắc nhở mỗi chúng ta luôn nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha, mẹ với lòng biết ơn sâu sắc nhất, ăn bữa cơm chay để thấy lòng thanh tịnh.

Đi theo lối đường mòn từ Tịnh thất quay trở lại đền Cậu du khách sẽ qua đền Cô. Đền Cô cũng có niên đại lâu đời và hiện đang thờ Cô Bé, tương truyền là một vị con nhà Trời đã cùng Quốc Mẫu giúp dân giúp nước. Cảnh sắc nơi đây thanh nhã, thoáng đãng và yên bình với thảm thực vật phong phú cùng khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ. Dòng suối Giải Oan cùng giếng nước cổ sát chân đền tăng thêm vẻ tĩnh mịch và thanh tịnh cho không gian nơi đây.

Quãng đường đi bộ từ Tịnh thất xuống đến ga cáp treo dài 3km dọc theo sườn núi, một bên là rừng cây, một bên là suối chảy róc rách, chim hót líu lo, du khách có thể đi thong thả không cần vội vàng, vừa đi vừa dừng chân nghỉ ven đường.

Tây Thiên từ lâu đã trở thành một khu di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị nhiều mặt, nơi đây vừa được coi như một quần thể di tích kiến trúc, vừa có cảnh quan sơn thủy hữu tình, địa thế “long chầu, hổ phục”… đã biến Tây Thiên thành điểm du lịch tâm linh ít nơi nào sánh kịp.

https://dulich.petrotimes.vn/

dulichvinhphuc.gov.vn

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]