Thăm làng gốm Chăm và dệt thổ cẩm nổi tiếng Ninh Thuận

19:28 | 07/09/2022

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Ninh Thuận cách TP HCM 350km và cách Nha Trang 100 km. Với hơn 100.000 người Chăm sống rải rác trên toàn lãnh thổ Việt Nam, thì Ninh Thuận có tới 50.000 người. Một đặc điểm lạ hơn là huyện Ninh Phước là nơi có tới 40.000 người Chăm sinh sống, chiếm tới 30% dân số ở đây. Do đó, đặc sản Chăm là tới Ninh Phước. Chính đặc sản Chăm mà Ninh Thuận đã níu chân được du khách là làng gốm Bàu Trúc nức tiếng và làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp.
Thăm làng gốm Chăm và dệt thổ cẩm nổi tiếng Ninh Thuận
Biểu diễn làm gốm tại Bàu Trúc

Thật ra thì Bàu Trúc là tên gọi truyền thống, còn tên trên giấy tờ là Phước Dân, làng cách trung tâm thành phố Phan Rang 10 km về hướng Nam.

Sự hấp dẫn của làng gốm Bàu Trúc chính là cách chế tác tạo ra sản phẩm tại đây. Gốm làm ra khá đa dạng, hiện nay theo thị hiếu của khách du lịch cũng đã phôi pha ít nhiều cái truyền thống “chum vại” để cho ra các tượng nhỏ, tháp Poglong Giarai thu nhỏ, Ling và Yoni… Khi đến các hộ kinh doanh gốm cho du khách, chúng tôi còn gặp những sản phẩm thị trường như các con thú, linh vật hoặc các bình nhỏ trang trí.

Thăm làng gốm Chăm và dệt thổ cẩm nổi tiếng Ninh Thuận
Đồ gốm Bàu Trúc

Hiện nay, ngay con đường vào làng gốm đã có một cánh cổng giới thiệu làng để du khách biết rằng mình đã đi đúng đường. Theo giải thích thì gốm Bàu Trúc được làm từ đất sét ven bờ sông Quao. Đất đem về trộn với tỉ lệ cát nhất định, nhào năn và làm bằng tay, bàn xoay cũng đơn giản, người thợ phải tự xoay theo thế của món đồ. Sau khi làm ra, gốm được phun màu bằng nước vỏ trái thị, nung bằng lửa rơm, cũi chứ không nung trong lò. Do nướng lửa ngoài trời nên lớp men không đồng màu, tạo ra sự độc đáo của thương hiệu gốm Bàu Trúc.

Giờ đây, ở Bàu Trúc có nguyên một con phố bán hàng gốm. Mọi người gọi đùa đó là “showroom gốm Bàu Trúc”. Con phố gốm này được trưng bày bên ngoài là những lu, vại gốm đã bị hỏng để cho du khách biết rằng đã tới làng gốm. Khách vào tới, cứ tự nhiên nhìn ngắm, chụp ảnh. Nếu muốn mua thứ gì thì cứ hỏi giá, mua số lượng lớn cho địa chỉ chủ nhân sẽ giao hàng tận nơi. Biết rằng sự hấp dẫn đối với du khách chính là cách xem làm gốm, cho nên khi khách tới, một người trong nhà sẽ biểu diễn làm gốm cho khách xem. Tất nhiên khách có thể tự mình học cách làm gốm theo sự hướng dẫn của chủ nhân.

Thường thì sau khi thăm làng gốm Bàu Trúc, khách được mời đi xem một đặc sản Chăm khác là làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp với tên Chăm là Ca Klaing. Chỉ đi tiếp khoảng hai cây số là tới làng dệt thổ cẩm này.

Thăm làng gốm Chăm và dệt thổ cẩm nổi tiếng Ninh Thuận

Nếu nghề gốm Bàu Trúc có từ thế kỷ 12 và gìn giữ đến ngày nay, thì nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp có sau này. Theo lời kể của người dân tại đây thì mãi đến thế kỷ 17 nghề mới có mặt do một phụ nữ Chăm tạo ra. Khi ấy, họ tự trồng bông vải để dệt thổ cẩm, và dùng cây Chùm Bầu, cây Mo, bùn non làm phẩm nhuộm chủ yếu dùng trong gia đình. Mãi đến năm 1991, khi ngành du lịch phát triển, nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp trở nên sôi động.

Bây giờ thổ cẩm chỉ còn cái hồn là khung dệt tay và các hoa văn họa tiết trên khung vải. Bởi thời hiện đại, sợi mua từ TP HCM và màu cũng là màu công nghiệp. Ở Mỹ Nghiệp chẳng ai trồng bông vải nữa. Nhưng dẫu thế, bước chân khách du lịch tới Mỹ Nghiệp vẫn rộn ràng để ngắm nhìn những cô gái Chăm ngồi bên khung cửi dệt ra tấm thổ cẩm (mà thực ra họ chỉ dệt biểu diễn cho khách chụp ảnh).

Thổ cẩm Mỹ Nghiệp có sức hấp dẫn bởi hoa văn sắc sảo, Nền vải ưa thích của thổ cẩm Chăm là đen và đỏ. Đường nét hoa văn đa phần có dạng hình học như: Bungu tamun (bông mặt võng), chăm birow (Chăm mới), tuk hop, biugu jal. Những hoa văn này thường được bố trí trên toàn mặt vải.

Giống như ở Bàu Trúc, ở Mỹ Nghiệp đã có những “showroom” nằm trên đường đi như cơ sỡ Irasara chủ yếu để thỏa lòng khách tham quan và bày bán sản phẩm thổ cẩm. Sau khi đi dạo qua làng, vào từng nhà xem dệt thổ cẩm với những khung cửi bằng gỗ, những sợi chỉ nhiều màu sắc bắt mắt giúp cho những nhà nhiếp ảnh ghi ảnh, là đi mua hàng. Ví dụ như gian hàng Irasara khá bắt mắt khách và cũng là điểm các hướng dẫn viên du lịch hay đưa khách tới. Tại đây có cả một tủ sách bằng tiếng Chăm, có một chiếc cộ bò trưng bày gốm, có một góc triển lãm các loại đàn và vật dụng thường ngày của người Chăm. Trên tường nhà là hình ảnh dệt thổ cẩm Chăm các nghệ nhận nổi danh của làng dệt Mỹ Nghiệp như bà Thuận Thị Trụ. Tất nhiên là tại Mỹ Nghiệp cũng đã có đủ loại hàng hóa làm ra từ thổ cẩm Chăm để khách mua về làm kỷ niệm. Đó là bóp, ví, túi xách lớn, áo khoát, khăn quấn… với nhiều màu sắc, hoa văn họa tiết khá đa dạng.

Thăm làng gốm Chăm và dệt thổ cẩm nổi tiếng Ninh Thuận
Biểu diễn dệt thổ cẩm tại Mỹ Nghiệp

Theo số liệu thì toàn tỉnh Ninh Thuận có 420 hộ làm nghề dệt thổ cẩm, sản lượng của mỗi hộ dệt từ 2.000-6.000m sản phẩm/năm. Tại Mỹ Nghiệp có 20 nghệ nhân khá giỏi nghề, truyền lại cho con cháu.

Đến Ninh Thuận, dạo một vòng Bàu Trúc và Mỹ Nghiệp, dẫu cái truyền thống của nghề đã phối pha ít nhiều trước cơn lốc thị trường, nhưng khách vẫn được một ngày thoải mái thưởng thức đặc sản Chăm mà không nơi nào có được.

https://dulich.petrotimes.vn/

Khuê Việt Trường

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]