Tinh hoa ẩm thực Đất Tổ

03:06 | 20/05/2022

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Phú Thọ là vùng Đất Tổ linh thiêng, nơi cội nguồn của dân tộc. Nơi đây không chỉ có nền văn hóa lâu đời mà còn nổi tiếng với ẩm thực vừa dân dã, vừa đậm đà, cuốn hút, khó có thể tìm kiếm ở bất kỳ nơi nào khác. Trong chuyến hành trình về với đất Tổ để theo dõi các trận đấu tại bảng A và một trận bán kết môn bóng đá nam SEA Games 31 trên Sân vận động Việt Trì, người hâm mộ môn “túc cầu” và du khách thập phương cùng thưởng thức các đặc sản nổi tiếng của Phú Thọ
Tinh hoa ẩm thực Đất Tổ

Nhắc tới Phú Thọ không thể không nhắc tới những món ăn gắn với truyền thuyết như bánh chưng, bánh giầy… Hiện nay, ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có nghề nấu bánh chưng, giã bánh giầy. Những món ăn này sử dụng nguyên liệu chính từ gạo nếp, đặc biệt là gạo nếp được trồng cấy tại chính vùng đất khởi nguồn dân tộc, vì thế sản phẩm được làm ra là sự hội tụ tinh hoa của đất - trời và lòng người Đất Tổ.

Để tạo ra sự khác biệt, làm nên thương hiệu bánh chưng đất Tổ chính là ở khâu chuẩn bị nguyên liệu và cách gói. Gạo nếp dùng để gói bánh chưng phải là loại nếp ngon (nếp nương). Đỗ phải là những hạt đều, có màu vàng tươi sau khi sát vỏ và không bị sâu, mọt. Thịt lợn làm nhân bánh cũng phải chọn loại thịt ba chỉ tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng, không quá nhiều mỡ. Đặc biệt, lá dong phải là lá bánh tẻ, không được quá non hoặc quá già sẽ làm ảnh hưởng tới màu sắc của bánh.

Bánh giầy giã tay là thức bánh độc đáo của vùng Đất Tổ. Để làm ra được một chiếc bánh giầy, người làm phải chuẩn bị kỹ lưỡng các công đoạn, từ cách chọn, ngâm gạo; cách chọn chày,… Bánh giầy thơm ngon phải được giã từ gạo xôi lên, chứ không phải loại trộn bột. Bánh chỉ làm và thưởng thức ngay trong ngày, không thể dùng lại nguyên liệu cho ngày hôm sau.

Tinh hoa ẩm thực Đất Tổ

Bên cạnh đó còn có các món chế biến từ cá sông vốn đã nổi tiếng là món ăn tiến Vua trong truyền thuyết như cá Anh Vũ, cá Lăng… mà chỉ có ở vùng sông Ngã ba Bạch Hạc. Đặc biệt cá Anh Vũ sống theo bầy đàn, chỉ ăn rêu tảo nơi vùng nước trong và có nhiều hang đá. Vì vậy, việc bắt được một con cá Anh Vũ là cả một kỳ công nên càng trở nên quý giá. Thịt cá Anh Vũ trắng, quánh và thơm ngon hơn bất cứ loài cá nào. Trong con cá Anh Vũ, phần khối sụn môi chẳng những rất giòn, ngon mà còn có tác dụng chữa được bệnh. Cá Lăng Việt Trì cũng nổi tiếng không chỉ thơm, ngon mà còn có thành phần dinh dưỡng phong phú, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe giúp cơ thể thải độc, thanh lọc cơ thể.

Thực khách đến với nhà hàng Quán cá lăng Sông Đà (phường Gia Cẩm, Thành phố Việt Trì); Quán Cá Hạc Trì (phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì); quán cá sông Việt Trì - Long Gia Quán (phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì)… để khám phá và thưởng thức vô số món ngon đặc sắc như: Cá lăng trộn hành tím, cá lăng hấp xì dầu, cá rang muối, nem cá lăng, cá lăng nướng than hoa, Lẩu cá lăng, cá lăng nướng riềng mẻ, om chuối đậu, cháo cá lăng, ruốc cá lăng…

Tinh hoa ẩm thực Đất Tổ

Là một trong những sản phẩm truyền thống lâu đời ở thị xã Phú Thọ, bánh tai đã trở thành món ăn đặc sản mời bạn bè, du khách từ phương xa để thể hiện lòng hiếu khách cũng như giới thiệu một nét văn hóa đặc sắc của quê hương. Bánh tai được làm từ gạo tẻ trắng, dẻo, bên ngoài có màu trắng đục của bột gạo, bên trong được làm từ thịt nạc xay, mỡ, hành khô, hạt tiêu.

Bánh được ăn kèm với nước chấm cay pha sẵn. Khi thưởng thức, bánh tai thơm mùi bột gạo quyện trong nhân thịt vị ngầy ngậy, cắn từng miếng bánh sẽ thấy cảm giác dẻo, mát, giòn, lượng mỡ nhỏ của nhân giúp ngấm đều cả chiếc bánh sau khi xôi, tạo ra vị béo mà không bị ngán.

Thịt chua được biết đến là một món ăn bình dị của người Mường ở khu vực Thanh Sơn. Thịt chua Thanh Sơn ngon nức tiếng, là một món quà nhỏ đầy ý nghĩa, lưu lại hương vị miền đất núi rừng, tinh hoa ẩm thực của Đất Tổ. Hai thành phần chính của món ăn chính là thịt lợn và thính rang xay mịn. Nhưng sự hấp dẫn của món ăn nằm ở chỗ kết hợp tài tình với các loại gia vị đặc thù cùng cách chế biến riêng biệt, tạo nên hương vị độc đáo khó cưỡng.

Nguồn gốc ra đời của món thịt chua vốn xuất phát từ nhu cầu bảo quản thịt được lâu hơn để dùng dần mỗi khi mổ lợn. Vì thế, người Mường nghĩ ra cách muối chua thịt trong ống tre, nứa. Hiện nay, món thịt chua Thanh Sơn không chỉ là món ăn riêng của người Mường mà đã trở thành đặc sản đáng tự hào của người Mường nói riêng và người Phú Thọ nói chung.

Tinh hoa ẩm thực Đất Tổ

Mâm cỗ lá người Mường huyện Tân Sơn cũng là một trong những gam màu độc đáo của ẩm thực Đất Tổ. Nguyên liệu chính cho mâm cỗ có thể là gà, lợn hay bò, trâu nhưng phổ biến nhất vẫn là lợn Mán - một loại lợn lửng được bà con Mường nuôi thả trên đồi núi có vị thơm ngọt tự nhiên… Gà trong mâm cỗ là gà nhiều cựa, chắc thịt và rất ngon. Bên cạnh đó, còn có cá suối nướng, cá được người dân bắt ở những con suối tự nhiên, về nướng trên bếp than vàng ruộm. Xen lẫn trong mâm cỗ là món măng luộc, rau rừng, xôi trắng hoặc xôi ngũ sắc…

Mỗi mâm cỗ còn được xếp với một đĩa hoa chuối xào, một hoặc hai bát canh loóng chuối - là canh được nấu bằng cây chuối rừng non, thái mỏng, nấu với nước luộc lòng. Canh có vị ngọt đậm đà là món ăn đặc trưng và không thể thiếu trong mâm cỗ.

Các món ăn được bày biện đẹp mắt như một mâm cỗ trên mặt lá chuối toát lên ý nghĩa tâm linh - trời đất giao hòa và thể hiện lòng biết ơn của người Mường với đất, trời, rừng núi. Đây là nét văn hóa ẩm thực sơ khai của người Mường và cho đến nay vẫn còn được lưu giữ trong những dịp lễ, tết, cưới xin…

Rau sắn không phải là món ăn sang trọng hay cầu kỳ về hình thức nhưng đòi hỏi chế biến đúng cách và lựa chọn nguyên liệu kỹ càng mới đảm bảo độ ngon vốn có. Những búp sắn non, mập mạp, còn nguyên lớp phấn mịn phía đầu chồi là tươi ngon nhất. Sau khi được muối cẩn thận, lá sắn có thể được nấu thành nhiều món ngon khác nhau như món lá sắn xào với thịt lợn, lá sắn muối kho tép hay nấu canh đầu cá… Từ bao đời nay, món rau sắn đã trở thành món ăn quen thuộc trên mâm cơm của người dân Phú Thọ.

Cái tên tiếp theo góp mặt trong danh sách ẩm thực Phú Thọ chắc chắn đó là xáo chuối Lâm Thao. Một món ăn đơn sơ, mộc mạc nhưng rất được yêu thích tại nơi đây. Cách làm món xáo chuối không có gì quá cầu kỳ nhưng quan trọng là phải tuyển chọn đúng nguyên liệu như: Loại chuối tiêu đặc trưng, chuối không được quá xanh hay quá già, tiếp đến là xương sườn lợn, tiết lợn, riềng, nước tương.

Cọ ỏm cũng là một trong những món ăn đặc sắc, từ loài cây đặc trưng của miền trung du Phú Thọ. Quả cọ có vị bùi bùi, thơm ngậy, gây thích thú cho nhiều du khách khi du lịch Phú Thọ. Quả cọ dùng để om phải là quả già. Quả càng già, vị càng béo, bùi. Cách om cọ cũng là một nghệ thuật và chỉ khi bạn trực tiếp nếm thử mới biết được vì sao món ăn này lại hấp dẫn đến vậy.

Ẩm thực Phú Thọ không chỉ hấp dẫn người thưởng thức bởi tính đa dạng, độc đáo ở mỗi món ăn mà còn bởi hệ thống dịch vụ nhà hàng từ đặc sản đến bình dân, chế biến các món ăn từ dân tộc truyền thống tới hiện đại. Đến Phú Thọ, thực khách có thể dễ dàng tìm thấy những nhà hàng chuyên món hoặc tổng hợp như Gà cựa Xuân Thuyết, A Thảo, cá Hạc Trì, dê Thanh Sơn, lợn mẹt, ngỗng 7 món, ngan mẹt 8 món…; các nhà hàng chế biến món ăn dân tộc như nhà hàng Cội Nguồn, Long Gia quán; hays các nhà hàng lớn chuyên tổ chức sự kiện, tiệc cưới như Sen Vàng, Phố Việt…

Tại thành phố Việt Trì còn có hai tuyến phố Tiên Dung và Nguyễn Du được công nhận, gắn biển Phố Ẩm thực với hàng trăm nhà hàng lớn nhỏ, đa dạng các món ăn, các kiểu chế biến, phục vụ nhu cầu ăn uống giải trí của cả người dân thành phố và khách nơi xa về.

Trong những năm gần đây, Phú Thọ chú trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa ẩm thực gắn với phát triển du lịch về cội nguồn. Khách phương xa về với Phú Thọ trong dịp tổ chức các hoạt động SEA Games 31 “nhất định phải thưởng thức” hoặc mua về làm quà những món ngon này.

https://dulich.petrotimes.vn/

Cổng Thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]