Tự sự: Lạc lối ở Busan

10:39 | 16/02/2021

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là gần như thành phố vắng bóng xe máy, những con hẻm cứ lên cao với những ngôi nhà có những chấn song màu trắng như cảnh vẫn thường thấy trong các bộ phim Hàn Quốc.

Chuyến bay từ Việt Nam đến Busan vào ban đêm, thời gian là 4 giờ 30 phút. Lơ mơ trong giấc ngủ thì đã đến sân bay. Thủ tục qua cửa hải quan cũng không khó khăn gì, trong dòng người chúng tôi gặp rất nhiều người Malaysia. Chiếc xe đã chờ sẳn chúng tôi để có một ngày khám phá Busan, kệ cơn ngái ngủ còn đọng trên mí mắt. Busan là điểm đến trong hành trình du lịch đến Hàn Quốc ngoài Seoul, là thành phố lớn thứ nhì của đất nước này, nằm ở phía đông. Những khu vực đông dân nhất của thành phố được xây dựng trong những thung lũng hẹp nằm giữa hai con sông Nakdong (Lạc Đông) và Suyeong (Thủy Doanh), với những dãy núi cắt qua nhiều khu của thành phố. Và tất nhiên, chỉ một ngày chúng tôi chẳng thể nào khám phá hết vẻ đẹp ở nơi này.

Tự sự: Lạc lối ở Busan

Cầu Treo Gwangan (Ảnh Khuê Việt Trường)/ https://dulich.petrotimes.vn/

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là gần như thành phố vắng bóng xe máy, những con hẻm cứ lên cao với những ngôi nhà có những chấn song màu trắng như cảnh vẫn thường thấy trong các bộ phim Hàn Quốc. Trên phố, những hàng cây rợp bóng, những chuyến bus dừng liên tục đón khách. Bây giờ là mùa thu, một số cây đã nhuộm màu lá vàng, người dân bản xứ thường mặc những chiếc áo khoát chìm màu và thường dí mắt vào điện thoại dẫu băng qua đường. Chúng tôi ăn sáng bằng món mì truyền thống Hàn quốc với kim chi. Kim chi ở đây có 200 loại, và những ngày ở Hàn Quốc chúng tôi đều được các nhà hàng dọn ra ăn kèm với các món khác.

Tự sự: Lạc lối ở Busan

Đường lên Chùa Beomeosa (Ảnh Khuê Việt Trường)/ https://dulich.petrotimes.vn/

Tự sự: Lạc lối ở Busan

Chùa Beomeosa (Ảnh Khuê Việt Trường)/ https://dulich.petrotimes.vn/

Sau khi ăn sáng, chúng tôi đến đền (còn gọi là chùa) Beomeosa tọa lạc tại núi Geumjeongsan - Busan, có tuổi thọ đã hơn 1,300 tuổi. Theo lịch sử ghi lại thì đền này được sư trụ trì Ui Sang xây dụng vào khoảng năm 678 sau công nguyên. Vào năm 1592, chùa bị thiêu rụi hoàn toàn trong cuộc chiến tranh Nhật – Hàn. Sau khi được xây dựng lại, đến năm 1602 chùa lại vướng vào vụ hỏa hoạn và bị đốt cháy. Lần sửa chữa, xây dựng lại cuối cùng là năm 1613. Xe đậu bên dưới bãi, con đường lên đền cao dần, qua cả một không gian cây xanh rất đẹp, qua chiếc cầu nhỏ và bên dưới có con suối nhỏ. Được biết, sau 2 lần bị hỏa hoạn thiêu rụi và được xây lại, chùa mang nét kiến trúc của nhiều thời đại, vừa truyền thống vừa hiện đại. Theo như ghi chép thì đền Beomeosa ban đầu được miêu tả như sau: "Trên đỉnh ngọn Geumjeongsan có một giếng nước kỳ lạ, nước trong giếng lúc nào cũng ánh vàng. Cá cảnh bên trong thì đủ mọi màu sắc, vờn lượn trong giếng tựa như những đám mây. Cũng vì vậy mà người ta gọi núi là Geumsaem (giếng vàng) và đến là Beomeo (thiên ngư)". Khác với tất cả các ngôi chùa ở Đông Nam Á, chúng tôi thấy ở đây các mái ngói màu xanh xám chìm, nhiều ngôi nhà khác nhau, và những tín đồ trong từng ngôi nhà đang cầu nguyện, kệ du khách bên ngoài. Các khoảng sân rất rộng, các bậc cấp nối tiếp cho các bước chân tò mò. Lên trên cao nhìn xuống, bao quanh là các mái ngói đặc trưng Hàn Quốc, là đồi núi và các cây thông đỏ hai lá, loại thông đặc biệt ở Hàn Quốc.

Tự sự: Lạc lối ở Busan

Cảnh biển Oryukdo (Ảnh Khuê Việt Trường)/ https://dulich.petrotimes.vn/

Tự sự: Lạc lối ở Busan
Chênh vênh Oryukdo (Ảnh Khuê Việt Trường)/ https://dulich.petrotimes.vn/

Một điểm đến ấn tượng khác chính là con đường lên đảo Oryukdo. Đảo Oryukdo tọa lạc ở ven biển phía Tây của Yongho-dong. Xe dừng dưới chân đỉnh núi, gió từ biển thổi vào lồng lộng, chúng tôi bước trên con đường lên đỉnh trong cơn gió như thế. Oryukdo Skywalk ở độ cao 35m của vách đá tự nhiên, những hàng rào sắt chắn ngang. Từ đây có thể nhìn thành phố lộng lẫy bên kia, và cả 5 hòn đảo là Gonggotdo, Usakdo, Guldo, Surido và Deungdaedo. Trong đó, đảo Deungdaedo là đảo chính và đã được nâng cấp thành Oryukdo Skywalk đẹp giống như hiện ra trong cổ tích.

Tự sự: Lạc lối ở Busan

Cầu kính Oryukdo (Ảnh Khuê Việt Trường)/ https://dulich.petrotimes.vn/


Gió ở đây thổi lồng lộng, trời nắng nhưng nhiệt độ bên ngoài là 13 độ C. Lên tận nơi, gặp cầu kính gồm 15 tấm kính cường lực dày đến 48 cm, còn tấm kính chắn là loại kính chống đạn dày, bắc chênh vênh ra ngoài. Để vào khu vực, khách phải mang một đôi tất bao giày dép lại để tránh trơn trợt, sau đó thì bước lên chiếc cầu kính hình chữ U vươn ra ngoài thênh thang 10 m. Từ cầu kính có thể quan sát cảnh biển bên dưới, và xa xa là năm hòn đảo.
Tất nhiên là không thể đi hết Busan, nên buổi chiều chúng tôi chọn đến bãi biển Gwangalli. Đây là bãi biển nằm sát thành phố, chiều dài 1,4km. Nếu so với bãi biển Nha Trang chẳng hạn thì ở đây không có thảm cỏ, chỉ có con đường đi bộ, để những chiếc ghế hoặc trụ cho khách ngồi ngắm cảnh, thỉnh thoảng có vài chiếc xe đạp hoặc những người dắt chó dạo chơi. Con đường chộn rộn xe cộ, những vạch kẻ giao thông rất đẹp, bên kia đường san sát các quán cà phê nhiều đến nỗi Gwangalli còn được mệnh danh là Thị trấn Cà phê. Các quán cà phê với nội thất độc đáo và phong cách đầy màu sắc, có hàng hiên ngắm cảnh (cà phê ở bên Hàn Quốc khách tự phục vụ vì rất ít nhân viên).

Tự sự: Lạc lối ở Busan

Bãi biển Gwangalli (Ảnh Khuê Việt Trường)/ https://dulich.petrotimes.vn/

Đặc sắc nhất ở bãi biển Gwangalli chính là cây cầu Gwangan (cầu Diamond) nổi tiếng và có thể nhìn thấy từ hầu hết các điểm xung quanh bãi biển. Vào buổi tối, hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật từ cây cầu tạo ra hơn 100,000 màu sắc ánh sáng khác nhau thay đổi theo từng giờ, tạo nên hiệu ứng ánh sáng lung linh huyền ảo. Cầu treo Gwangan bắc qua biển giữa Namcheon-dong, Suyeong-gu và U-dong, Haewundae-gu của thành phố Busan. Cây cầu được xây dựng xong vào năm 2002, thiết kế hai bên có tổng chiều dài của là 7420 m, phần cầu treo dài tới 900m. Đây là cây cầu dài nhất ở Hàn Quốc. Và ngay cả ngắm nhìn cây cầu vào buổi chiều, chúng tôi đã choáng ngợp với vẻ đẹp của nó.

Theo thống kê, năm 2018 đã có 88,000 du khách Việt Nam đến Busan và con số này sẽ tăng lên trong năm 2019. Đến Busan và chạm tới, dường như chúng tôi đã muốn lạc lối về.

https://dulich.petrotimes.vn/

Khuê Việt Trường

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]