Úp mặt vào đá gửi nguyện cầu đến mẹ Mariamman

13:21 | 20/01/2019

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Tôi gặp nhiều bạn trẻ tới thì thầm những ưu tư, khúc mắc với bức tường đá trong ngôi đền Hindu giáo của người gốc Ấn, toạ lạc trên đường Trương Định (quận 1, TP.HCM).  
up mat vao da gui nguyen cau den me mariammanCùng tìm hiểu về chư thiên và linh vật Phật giáo

up mat vao da gui nguyen cau den me mariamman

Vị thần Mưa của giới bình dân

Ngôi đền có tên gốc là Đền Bà Mariamman, thờ nữ thần Mariamman của người Ấn Độ. Đó là vị thần của mùa màng bội thu, đất đai màu mỡ, sức khoẻ dồi dào (thần chữa bệnh đậu mùa), tình yêu, hạnh phúc và con cháu vui vầy. Từ ngôi đền quy mô không lớn của cộng đồng người Ấn Độ di cư tới Việt Nam đầu thế kỷ XX, đến nay, nơi này đã thành địa chỉ tâm linh của cả người Việt, người Hoa, khách du lịch theo Hindu giáo và được gọi với tên “thuần Việt” hơn - Đền Bà Ấn.

up mat vao da gui nguyen cau den me mariamman
Chính điện thờ bà Mariamman

Theo thần thoại, Mariamman là vị nữ thần phổ biến ở miền Nam Ấn Độ, được lưu truyền trong cộng đồng người Tamil. Chữ “Mari” trong tên bà mang ý nghĩa là “người mẹ”, còn “Amman” là mưa. Bởi vậy, bà là vị nữ thần mang đậm tính Mẫu với tất cả sự bao dung, gần gũi trong tín niệm của người Ấn Độ. Bà bảo trợ cho phụ nữ và trẻ em bình dân. Cũng bởi vậy, mỗi ngày, trong ngôi đền của người Ấn nằm ở trung tâm thành phố, các tín đồ, du khách, người trông coi đền… đều thì thầm những lời ca tụng, yêu thương gửi đến bà: “Bà là người cha, người mẹ vĩnh hằng. Bà là ánh sáng, bà là hơi thở của con. Bà ở mọi nơi, bà ở mọi thứ. Từ mọi nơi, mọi lúc, bà quan sát con, yêu thương con…”.

Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của vị nữ thần quyền năng bậc nhất Ấn Độ. Phổ biến nhất là quan niệm cho rằng bà là vợ của một nhà thơ Tamil tên Thiruvalluvar. Do bị mắc bệnh đậu mùa nên bà bị ruồng rẫy, phải đi xin thức ăn từ nhà này qua nhà khác. Bà phải lấy lá cây neem (một loại cây ở Ấn Độ) để đuổi ruồi, không bu vào những vết lở loét trên người. Bà bình phục nhanh một cách kỳ diệu. Từ đó, người ta tôn thờ bà như nữ thần của bệnh đậu mùa. Người Ấn cũng bắt đầu treo lá cây neem trên cửa ra vào để đuổi bệnh đậu mùa.

Truyền thuyết thứ 2 cho rằng bà là nàng Nagavali xinh đẹp và đức hạnh, vợ của Piruhu, một trong chín Rishi (nhà hiền triết có cái nhìn thông suốt, tự tu luyện yoga để đạt đến cảnh giới hợp nhất với vạn vật). Một ngày nọ, Rishi đi xa. Các vị thần tới chiêm ngưỡng vẻ đẹp nổi tiếng và đức hạnh của nàng nhưng nàng đã biến họ thành trẻ con do hiểu lầm. Bị xúc phạm, các vị thần nguyền rủa và huỷ hoại vẻ đẹp của nàng, khiến mặt nàng xuất hiện những đốm đậu mùa. Rishi trở về, thấy nàng bị biến dạng liền đuổi đi, đồng thời nói rằng, kiếp sau nàng sẽ sinh ra một con quỷ dữ. Vì vậy, nàng được gọi là Mari, có nghĩa là thay đổi.

Người Ấn thờ phụng nữ thần Mariamman với hình ảnh của một phụ nữ trẻ xinh đẹp, gương mặt hung đỏ, có nhiều tay tượng trưng cho nhiều quyền năng, một tay cầm đinh ba, một tay bưng chén cơm. Tại ngôi đền nằm giữa trung tâm TP HCM, tượng bà Mariamman cùng các vị thần được tạc tinh xảo với màu sắc chủ đạo là xanh, đỏ.

Thì thầm với tường đá linh thiêng

Không phải là một tín đồ Hindu giáo nên lần đầu tình cờ tới chiêm bái ngôi đền “lạ”, tôi đã thực sự ngạc nhiên xen lẫn thích thú, rồi dần dần nhường chỗ cho cảm giác thanh tĩnh và ấm áp. Lễ vật cúng bà là gạo, dừa tươi, dầu ăn, trái cây và đặc biệt là những tràng hoa nhài thơm ngát. Khách tới đền được khuyến khích đề cao thờ cúng và khấn nguyện thành tâm, giảm nhang đèn, lễ lạt. Bởi vậy, mỗi người chỉ thắp một nén nhang nhỏ như là cách gửi tín hiệu đến vị nữ thần linh thiêng.

Sau khi kính lễ bà Mariamman tại điện chính, kỳ lạ hơn nữa, nhiều tín đồ đi vòng ra phía sau lưng bà, úp mặt vào bức tường đá được mang về từ vùng núi cao Ấn Độ và gửi đến bà những nguyện cầu thầm kín nhất. Tôi gặp không chỉ người lớn tuổi mà còn nhiều bạn trẻ tới thì thầm những ưu tư, khúc mắc với bức tường đá trong ngôi đền linh thiêng này. Họ truyền tai nhau rằng chỉ cần khấn tên bà và nói lời ước nguyện, tường đá sẽ gửi tâm tư của bạn tới thần linh. Không rõ vị thần Ấn Độ có giúp mỗi người được thoả mong ước không, nhưng chắc chắn mỗi người đến đây, đều đã tìm được cho mình ít nhiều thanh thản.

up mat vao da gui nguyen cau den me mariamman
Úp mặt vào tường đá khấn nguyện

Hai bên chính điện là điện thờ “cô” và “cậu”, được cho là con cái của bà Mariamman. Phía cổng đền thờ sư tử với ước mong được ban phước lành về sự may mắn, thịnh vượng.

up mat vao da gui nguyen cau den me mariamman

Đền Bà Ấn còn gây ấn tượng với du khách bởi hoạt động từ thiện rất có giá trị. Nếu thường xuyên ghé qua đền, sẽ nhiều lúc bạn bắt gặp những người coi giữ đền, đa phần là gốc Ấn, ngồi đóng từng bao gạo từ lễ vật cúng bà của các tín đồ để gửi đến các địa chỉ khó khăn. Ngoài ra, dầu ăn, tiền công đức cũng được tập hợp lại để phục vụ cho những hoạt động ý nghĩa.

up mat vao da gui nguyen cau den me mariamman
Bảng ghi hoạt động hỗ trợ hộ khó khăn của đền

Chùa Bà hiện nay do chính quyền thành phố quản lý và được cộng đồng người gốc Ấn tự tay coi sóc mỗi ngày. Những người mang dòng máu Ấn Độ rất mộ đạo, đa phần hiền hoà, ít nói, hay cười và luôn tận tình hướng dẫn du khách vào làm lễ. Bạn cũng sẽ được nhận lại một phần lộc trước khi rời bước ra về, có thể là những cánh hoa rực rỡ gói trong giấy đỏ, tràng hoa nhài tinh khiết hoặc một chút gạo, muối, đôi khi là trái dừa hay xôi đậu xanh…

Một lần, chúng tôi đã phải thích thú thốt lên: “Ngôi đền dễ thương quá!”. Đó là khi chúng tôi đang lững thững bước quanh khuôn viên, ngắm nhìn tượng các vị thần Ấn Độ và đọc vài mẩu truyền thuyết kì bí, thì một người đàn ông là nhân viên trông coi đã bưng trái dừa có cắm sẵn ống hút tới mời chúng tôi uống cho đỡ khát. Một nơi linh thiêng mà lại gần gũi đến thế, chúng tôi thật lòng không nỡ rời bước đi.

up mat vao da gui nguyen cau den me mariamman
Một trong số nhiều vị thần được thờ phụng tại đền

Hoài Dương

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]