Văng vẳng điệu tơm của người Khơ Mú

07:00 | 18/06/2018

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Nằm cách biệt với “thế giới bên ngoài”(cách thị trấn Hòa Bình của huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An khoảng 40 km), trong bản Xốp Pu, xã Yên Na, tại những ngôi nhà của người Khơ mú vẫn luôn văng vẳng tiếng kèn pi trong trẻo mà trầm ấm cùng hòa quyện với điệu hát tơm của những người dân nơi đây. 

Kèn pi tơm

Không có những truyền thuyết “kỳ ảo” về sự ra đời chiếc kèn pi tơm (hay còn gọi là cây pi tơm), nhưng những già làng của bản Xốp Pu kể lại rằng, trước kia người dân Khơ mú không có tiếng nhạc, không có âm thanh nên mới sáng tạo ra kèn pi tơm để mang âm thanh, mang tiếng nhạc khích lệ đời sống tinh thần của người dân. Cứ thế mà kèn pi tơm của người Khơ mú đã trở thành một loại nhạc cụ đặc trưng, riêng biệt không thể nào bị trộn lẫn với bất cứ đâu trên dải đất dài rộng hình chữ S này.

Thoạt nhìn qua, kèn pi tơm không khác mấy so với cây sáo, nhưng nếu quan sát kỹ thì người làm ra pi tơm quả là những nghệ nhân thực thụ. Chọn nguyên liệu làm nên chiếc kèn pi tơm không hề dễ, người Khơ mú phải vào rừng, vào rú để lựa được những cây nứa già, thân mỏng, không mất ngọn, không mọc ở gần khe, gần vách núi. Kỳ lạ thay, nếu làm trái những điều trên, kèn pi tơm không tài nào kêu được.

vang vang dieu tom cua nguoi kho mu
Ông Kham Văn An (SN 1946) đang đi chặt nứa về làm kèn pi tơm
vang vang dieu tom cua nguoi kho mu
Ông An thử đoạn đầu của kèn pi tơm

Không thước, không giấy bút, người Khơ mú làm kèn pi tơm theo ước lượng của ngón tay. Với những cây kèn pi ngắn, khoảng cách giữa lỗ được khoét cách nhau chừng 3 ngón tay. Những cây kèn pi tơm to hơn thì từ 5 – 7 ngón.

vang vang dieu tom cua nguoi kho mu
Người làm kèn pi tơm thường ước lượng độ dài của cây pi tơm bằng ngón tay

Để làm một chiếc kèn hoàn chỉnh thì cần có 3 mối nối theo độ to dần của cây nứa. Miệng kèn tơm là đốt trên cùng, rồi từ đó các đốt khác cứ to dần lên, có như vậy thì mới ghép được với nhau. Kèn pi tơm sau khi làm xong phải được hong cao trên bếp hay phải được phơi dưới nắng cho “đượm”, có như vậy kèn pi mới cho tiếng rền vang.

Điệu tơm

Nếu người Thái có điệu nhảy sạp cùng đong đưa với tiếng cồng chiêng, tiếng khắc luống thì người Khơ mú lại có kèn pi tơm để làm bạn. Đã từ lâu, người Khơ mú dùng kèn pi tơm như một vật linh thiêng không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Khi vui cũng ca một điệu, khi buồn cũng ca một điệu để thoả nỗi lòng, để rồi điệu tơm cùng tiếng kèn pi mang những lo lắng, buồn đau đi xa.

Đối với người Khơ mú, điệu tơm không phải ca lên bừa bãi, khi tơm, chủ nhà phải dâng lễ và “xin phép” ma nhà mới được tơm. Tùy vào mục đích khác nhau mà người Khơ mú lại ca một bài tơm khác nhau. Tất cả tạo nên một bản sắc rất riêng, rất khác biệt của người dân Khơ mú.

Ông trời cho người Khơ mú cây kèn pi tơm, cho người Khơ mú điệu tơm, nhưng lại không cho người Khơ mú chữ viết, lẽ vậy mà những bài tơm chỉ được ông cha truyền miệng lại cho con cháu. Người “ưng điệu tơm” thì mới tơm được, còn những người không có cái “ham”, cái “hứng” thì có học mãi cũng vậy, để rồi điệu tơm cứ thế mà nhạt màu.

Người “giữ hồn” cho điệu tơm truyền thống

Tại bản Xốp Pu, hiện nay, những người biết làm kèn pi tơm đã ít, nhưng người biết ca tơm, biết nhiều điệu tơm lại còn ít hơn, phần lớn thì vẫn là những người già còn lớp trẻ thì hiếm ai muốn học tơm, ca tơm. Một trong những người biết tơm tại bản là ông Kham Văn An (SN1946) - ông một trong ít những người trong bản vừa biết ca tơm, vừa biết làm kèn pi tơm.

Ôn An biết nhiều điệu tơm là do được cha mẹ truyền lại, nghe nhiều thì thành quen, nghe lâu thì thành thuộc. Nhưng cũng phải là người có cái “tình”, có cái “si” với điệu tơm thì mới có thể ca nhiều điệu tơm hay đến vậy.

“Người hát tơm thì cái hồn cũng như đi theo điệu tơm ấy!” – câu nói của ông An khiến tôi suy nghĩ mãi. Với một người dù có trải qua chiến tranh, có nhiều mất mát nhưng tâm hồn của họ thật trong sáng, thật tinh tế. Ngay cả khi ông đã hy sinh một con mắt cho chiến tranh, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng trên miệng của người đàn ông ấy vẫn luôn nở một nụ cười, vẫn luôn đem những điệu tơm đặc sắc đến với những thế hệ sau.

vang vang dieu tom cua nguoi kho mu
Ông Kham Văn An (bên trái) đang ca điệu tơm và ông Pịt Hồng Liên (bên phải) đang thổi kèn pi tơm

Theo lời anh Sơn (trưởng bản Xốp Pu, xã Na Yên) thì gia đình ông Kham Văn An là một trong những gia đình khó khăn nhất của bản. Ông có 3 người con (2 trai, 1 gái), hai người con trai lớn đi làm công ở Quảng Nam, còn người con gái út sinh năm 2003, thì chưa đủ tuổi nên chưa thể đi làm được. Vợ chồng ông An không có ruộng, ai thuê gì làm nấy, khi chặt mía, khi lại lên rừng hái lượm rau cỏ về bán. Hai vợ chồng cứ rau cháo mà nuôi nhau.

vang vang dieu tom cua nguoi kho mu
Hai vợ chồng ông Kham Văn An

Gia đình ông An sống trong một chiếc nhà sàn được dựng tạm bợ, chiếc mái thủng lỗ chỗ, có chỗ lại trống cả mảng to không được che chắn. Ông An vừa cười vừa bảo: “Có hai vợ chồng già nên chả làm gì được, mưa thì lại ướt thôi, ngồi bếp hơ lửa lại khô ấy mà!”. Cơ cực là vậy nhưng ông An vẫn lạc quan lắm, nhà sợ dột thì cầu trời đừng mưa, nhà thiếu gạo thì đành đi vay tạm, khi nào con gửi tiền về thì trả: “Người trong bản không đòi ngay đâu!” – nói rồi ông An lại phá lên cười.

vang vang dieu tom cua nguoi kho mu
Ngôi nhà được dựng tạm bợ cùng những khoảng trống trên mái nhà của gia đình ông An

Nói vật chất không thể nào bằng được tinh thần cũng không đúng, nhưng đối với riêng người đàn ông này thì có khi lại thật. Ông An thường bảo: “Còn người, còn cây pi tơm, còn điệu tơm mà ca thì tôi còn tất cả!”. Chắc cũng bởi vậy mà ông An vẫn luôn giữ lấy cái điệu tơm này, cũng luôn muốn truyền dạy cho con cháu trong bản: “Người Khơ mú ta có cây pi tơm, có điệu tơm là truyền thống, là gốc mà ta cần phải giữ lấy!”

[VIDEO] Điệu tơm hát mừng năm mới

Thưởng thức điệu tơm “Hát mừng năm mới” trong một buổi chiều muộn tại bản Xốp Pu, tiếng kèn pi tơm vang vọng, âm trầm, điệu tơm trầm hơn, réo rắt cùng với mùi củi rừng cháy đã tạo nên một nét riêng biệt. Rồi khi đi xa, tiếng kèn pi tơm cùng điệu tơm cứ văng vẳng qua từng khe núi, từng ngọn cây, ngọn cỏ.

Thúy Quỳnh

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]