Ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan

19:37 | 20/08/2021

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Lễ Vu Lan là ngày để báo ân, báo hiếu cha mẹ của cả kiếp này và cả những kiếp trước (và tổ tiên nói chung).
Nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ Thất TịchNguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ Thất Tịch
Ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan

Qua hàng nghìn năm, lễ Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam chúng ta.

Ngày lễ Vu Lan thường được diễn ra vào ngày rằm tháng bảy âm lịch hàng năm, cũng trùng vào ngày Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Ngày lễ Vu Lan là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của ông bà, cha mẹ cũng như tổ tiên và các anh hùng dân tộc đã có công với đất nước. Không riêng gì đối với mỗi Phật tử, Lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu đối với bố mẹ, người đã sinh và nuôi dưỡng chúng ta không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác.

Ngày lễ Vu Lan ra đời theo sự tích Đại Đức Mục Kiền Liên (một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.

Theo kinh Vu Lan, Mục Kiền Liên sau khi tu luyện thành công, ông nhớ mẹ là bà Thanh Đề đã qua đời nên dùng mắt phép để tìm bà khắp thế gian, ông thấy bà bị đày thành Ngạ quỷ (quỉ đói), bị đói khát hành hạ, vì những việc ác trong các kiếp luân hồi của bà. Đau lòng vì mẹ bị đày đọa, ông hóa phép thành thức ăn dâng lên mẹ nhưng tất cả thức ăn đều biến thành lửa đỏ.

Mục Thanh Đề cầu cứu lên Phật Tổ, Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu, chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Phật cũng dạy thêm rằng: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Theo lời Phật dạy Mục Thanh Đề đã cứu được mẹ mình và từ đó ngày lễ Vu Lan báo hiếu ra đời.

Ở Việt Nam, vào ngày lễ Vu Lan những người đến chùa đều không quên dừng lại để cài lên ngực một bông hồng, để nhắc nhớ về công ơn của cha mẹ. Nghi thức này do thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng trong cuốn sách “Bông Hồng Cài Áo” viết năm 1962.

Những ai may mắn còn cha, mẹ sẽ được cài bông hồng đỏ và một bông hồng trắng cho những ai cha, mẹ đã không còn bên cạnh mình nữa mà đã đi vào cõi luân hồi. Bông hồng được xem là vua các loại hoa, là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý, ngát hương. Bông hồng cài trên ngực áo thể hiện những tình cảm tốt đẹp nhất, thiêng liêng nhất của người con dành cho cha mẹ mình.

https://dulich.petrotimes.vn/

Kim Anh (T/h)

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]