Ai nên và không nên theo đuổi chế độ ăn không chứa gluten?

10:14 | 23/02/2021

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Gluten là loại prôtêin có trong các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen... Tuy là nguyên liệu chính của những thực phẩm phổ biến như mì và bánh mì, song gluten có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho một số người mẫn cảm với loại prôtêin này. Đây là lý do các chuyên gia nghiên cứu để xác định những đối tượng nên thực hiện chế độ ăn không chứa gluten (gluten-free diet).
Baking soda - thực phẩm kháng viêm bất ngờBaking soda - thực phẩm kháng viêm bất ngờ
Những thực phẩm giúp làm sạch và bảo vệ lá phổi của bạnNhững thực phẩm giúp làm sạch và bảo vệ lá phổi của bạn
Ai nên và không nên theo đuổi chế độ ăn không chứa gluten?
Ảnh: Healthline

Ai nên theo đuổi chế độ ăn không chứa gluten?

Theo các chuyên gia, bất kỳ ai mắc các bệnh sau đây cần kiêng ăn gluten để bảo vệ sức khỏe:

+ Bệnh Celiac (không hấp thu gluten). Đây là một bệnh tự miễn của hệ tiêu hóa. Ở người mắc bệnh này, việc dung nạp gluten sẽ kích hoạt hệ miễn dịch hủy hoại lớp niêm mạc của ruột non. Điều này ảnh hưởng xấu đến quá trình hấp thụ dưỡng chất và theo thời gian có thể khiến cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng. Do vậy, người mắc bệnh Celiac nên tuân thủ chế độ ăn không chứa gluten suốt đời.

+ Hội chứng ruột kích thích (IBS). Bệnh tiêu hóa mãn tính này có thể dẫn tới chứng chuột rút, đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy và táo bón. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Clinical Gastroenterology and Hepatology, chế độ ăn không chứa gluten có công dụng làm giảm các triệu chứng IBS.

+ Nhạy cảm với gluten, nhưng không phải bệnh Celiac. Tuy trải qua các triệu chứng giống như dấu hiệu của bệnh Celiac, nhưng một số người lại không có kết quả dương tính khi xét nghiệm bệnh này. Những trường hợp như vậy nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc thử áp dụng chế độ ăn không chứa gluten một thời gian để đánh giá mức độ thích hợp (triệu chứng bệnh giảm đồng nghĩa nên tiếp tục áp dụng cách ăn uống này).

+ Dị ứng lúa mì: Một số người có thể bị dị ứng với tất cả các loại prôtêin có trong lúa mì (bao gồm albumin, globulin, gliadin và gluten). Do vậy, chế độ ăn không chứa gluten hoặc lúa mì sẽ giúp ích cho họ.

Ngoài lợi ích giảm tình trạng viêm ở người mắc bệnh Celiac và các bệnh viêm ở hệ tiêu hóa như IBS, chế độ ăn không chứa gluten còn có thể hỗ trợ cho những người muốn giảm cân, nhờ loại bỏ hết các loại thức ăn vặt và thực phẩm chế biến sẵn kém lành mạnh ra khỏi thực đơn.

Người bình thường không nên chọn chế độ ăn không chứa gluten

Các sản phẩm từ lúa mì - như bánh mì, ngũ cốc và mì ống - cung cấp những dưỡng chất thiết yếu như chất xơ, các loại vitamin (riboflavin, folate, thiamin, niacin...), khoáng chất và vi chất dinh dưỡng. Vì thế, chế độ ăn không chứa gluten dễ khiến cơ thể bị thiếu hụt dưỡng chất, dẫn tới nguy cơ khởi phát các triệu chứng liên quan đến thiếu hụt dưỡng chất. Đây là lý do những người có sức khoẻ bình thường, tức có thể hấp thu gluten và không mắc bất kỳ vấn đề sức khỏe nào kể trên, nên duy trì chế độ ăn bình thường để đảm bảo bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.

Mặt khác, theo đuổi chế độ ăn không chứa gluten đồng nghĩa bạn cần thay thế đa số thực phẩm dễ tìm bằng các thực phẩm không chứa gluten nhập khẩu có giá thành cao, sẽ thêm tốn kém.

Tóm lại, chế độ ăn không chứa gluten đòi hỏi người áp dụng phải có kế hoạch ăn uống chặt chẽ, nếu không có thể tiềm ẩn một vài rủi ro. Vì vậy, tốt nhất là những người bị dị ứng thực phẩm - gồm cả gluten - nên hỏi ý kiến bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào trong cách thức ăn uống hằng ngày.

https://dulich.petrotimes.vn/

An Nhiên/BĐT Cần Thơ

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]