Bánh ống lá dứa – món ăn tuổi thơ của người miền Tây
![]() |
![]() |
Món bánh ống này bắt nguồn từ người Khmer ở các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang,… dần dần nổi tiếng khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành món ngon được biết bao thế hệ học sinh yêu thích.
Những chiếc bánh ống hình trụ tròn đơn giản, vị ngọt thanh hòa cùng chút béo ngậy đã trở thành món ăn vặt đầy ắp kỷ niệm với nhiều người. Bởi bánh thường bán nhiều ở các trường học, chợ, khu dân cư đông người,… Vì thế, hầu như đứa trẻ nào ở miền Tây cũng mê mẩn bánh ống lá dứa.
![]() |
Ai đã từng một lần thưởng thức bánh ống lá dứa đều công nhận rằng món ăn này đậm hương vị đặc trưng của ẩm thực miền Tây. Bởi sự kết hợp giữa vị xốp của bột gạo, vị béo của nước cốt dừa hòa quyện cùng vị ngọt thanh của đường, tạo nên nét riêng mà ít món ăn nào có được.
Có nhiều người lầm tưởng bánh ống lá dứa với món cốm xanh của người Hà Nội. Tuy nhiên thực tế không phải vậy. Món ăn vặt này hoàn toàn chuẩn miền Tây. Vì có thêm thành phần lá dứa nên bánh có màu xanh lục nhạt gần giống màu của cốm xanh. Chỉ khi cầm một chiếc bánh nóng hổi trên tay và cắn một miếng, bạn mới nhận ra rằng món bánh này không có điểm gì giống với cốm xanh của người Hà Thành.
Tuy là một món ăn vặt nhưng công đoạn chế biến khá là cầu kì, quan trọng nhất là khâu chọn gạo để xay bột làm bánh. Muốn bánh có độ xốp và hương thơm đặc trưng, thì gạo xay bột phải là loại gạo thơm dẻo, thượng hạng nhất của người Nam Bộ.
Các nguyên liệu khác đi kèm là lá dứa, bột nếp, bột khoai, cốt dừa, đường cát trắng, đậu phộng, mè rang và dừa khô. Với dừa khô, những người thợ kinh nghiệm nhất sẽ chọn loại dừa vừa già để giữ được vị béo ngọt đặc trưng khi ăn bánh.
![]() |
Khi nguyên liệu được chuẩn bị đầy đủ, người thợ sẽ trộn đều bột gạo xay mịn, bột khoai, bột nếp với nước cốt dừa, đường theo một tỉ lệ phù hợp nhất. Những người thợ làm bánh lâu năm thường không có công thức hay tỉ lệ cụ thể các nguyên liệu. Tất cả đều là “áng chừng” dựa trên kinh nghiệm làm bánh, đảm bảo sao cho bánh ống lá dứa khi chín không quá ngọt, có vị dẻo và béo vừa phải.
Để chiếc bánh ống có hình trụ tròn chuẩn đặc sản miền Tây, người thợ thường dùng nồi hơi để hấp bánh. Trước đây, người ta dùng nồi hơi có khuôn bằng ống tre để làm hấp bánh. Cấu tạo khuôn bánh là những ống hình trụ tròn, ở giữa là que tre và có gắn miếng thiếc hình tròn để dùng khi hấp bánh. Mỗi chiếc khuôn ống tre truyền thống gồm có 4 ống đựng bánh. Khi hấp bánh, hỗn hợp nguyên liệu được cho vào bên trong các ống. Bánh chín là nhờ hơi nước nóng bốc lên nghi ngút nồi nước bên dưới.
Ngày nay, vẫn có người sử dụng nồi hơi với khuôn ống tre truyền thống để làm bánh ống lá dứa. Nhưng đa phần người bán bánh ống chuyển sang loại nồi có khuôn inox vì có nhiều ống hơn, giúp việc bán hàng nhanh chóng. Bởi thời gian hấp mỗi chiếc bánh từ 3 – 4 phút. Nếu dùng nồi có khuôn 4 ống tre thì sẽ không kịp mỗi khi có nhiều khách ghé mua cùng lúc.
![]() |
Bánh ống lá dứa sau khi hấp chín thường được gói trong tàu lá chuối xanh, một phần là để tạo độ thơm ngon tự nhiên, một phần thể hiện được sự mộc mạc, dân dã của đặc sản miền Tây. Người bán thường rạch nhẹ một đường dài trên chiếc bánh để cho thêm dừa nạo, đậu phộng hoặc muối vừng rồi dùng lá chuối gói lại, để cố định nhân bánh chắc chắn bên trong.
Với du khách lần đầu ăn bánh ống, cảm giác mở lá chuối xanh gói quanh bánh và tận hưởng mùi thơm dịu ngọt xộc vào mũi thực sự là một trải nghiệm khó quên. Không những có hương thơm hấp dẫn, chiếc bánh ống còn có màu xanh lá đầy cuốn hút, khiến bạn chẳng nỡ ăn.
Thúy An (t/h)
- Nhiều bãi biển tại Thanh Hóa "thất thủ" dịp nghỉ lễ
- Háo hức "check-in" cánh đồng hoa hướng dương bên sông Sài Gòn
- Bà Rịa - Vũng Tàu: Khai mạc Hội hoa Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Hành tinh xanh”
- "Đoàn tàu mùa xuân" sẽ chạy xuyên Tết Ất Tỵ
- Quảng Nam: Ngắm đôi linh vật rắn sắc sảo, ánh vàng rực rỡ vừa được "trình làng"