Chạm gặp mùa hoa ngô đồng

19:10 | 20/04/2023

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Vào những năm trước, khi đến Huế, vào Hoàng Cung tôi thường được mọi người giới thiệu những cây cao khoảng hơn 10 mét, vẫn đang lá xanh, bảo đó là cây ngô đồng. Tò mò đến lạ, muốn một lần trở lại Hoàng Cung, chỉ một lần ngắm nhìn những cây ngô đồng đang vào mùa hoa nở. Và cũng đã bao nhiêu lần đến Huế, ngô đồng vẫn chưa nở hoa.
Chạm gặp mùa hoa ngô đồng
Ngô đồng ở Hoàng Thành.

Huế đẹp với những hàng cây xanh trên đường Lê Lợi, Đoàn Thị Điểm, 23/8. Lê Duẩn, Đinh Tiên Hoàng với đa dạng cây xanh: phượng vỹ, phượng vàng, me long não, xà cừ… Cây xanh tạo thành vòm, mà chỉ cần đi trong phố đã thấy đôi mắt mình dịu lại bởi màu xanh. Và dẫu nhiều thành phố có khai thác xích lô du lịch, thì xích lô ở thành phố với những chiếc xe đạp bằng chân, và những người đạp xích lô ở Huế chở bạn đi trên những con đường đầy bóng mát như thế với giá 150 ngàn như một hướng dẫn viên du lịch, kể cho bạn nghe chuyện về Huế thật là thú vị.

Chạm gặp mùa hoa ngô đồng
Những chiếc lá cuối cùng còn sót lại.

Hoàng Thành hiện nay có giá vé vào cửa là 200 ngàn, xe chở khách phải để bên ngoài, khách đi bộ vào. Và ở đó, trong Hoàng Thành ngoài lăng tẩm của cả một thời hưng thịnh triều Nguyễn, ngoài những phế tích đang trầm ngâm theo sáng chiều cứ lẳng lặng đi qua, mùa này những cây ngô đồng đang nở hoa.

Thật ra, chỉ những người yêu hoa ngô đồng, đi tìm để chạm gặp mới thấy những cây hoa, còn một số người thì đi qua những cung điện, đi qua những con đường ngày xưa vua đi, đi qua nơi vua thiết triều hay ngắm nhìn nơi ngày xưa cung tần mỹ nữ ở nay đã hoang phế. Họ đi lướt qua, như một người bạn của tôi đi vào Hoàng Thành trước tôi mấy ngày, họ bảo họ không thấy cây ngô đồng.

Chạm gặp mùa hoa ngô đồng
Những bông hoa ngô đồng đang khoe sắc rực rỡ.

Trong câu chuyện kể về cây ngô đồng, theo Đại Nam Nhất Thống Chí, vào thời vua Minh Mạng, có hai cây ngô đồng được mang từ Trung Hoa về trồng ở góc điện Cần Chánh (điện này nay không còn). Mỗi mùa xuân, hoa ngô đồng bung nở rất đẹp. Theo sử liệu, nguồn gốc những cây ngô đồng này từ Quảng Đông (Trung Quốc), khi vua Minh Mạng vì yêu thích mà mang về trồng ở điện Cần Chánh. Sau đó, ông sai binh lính đi tìm ở các núi rồi đem về trồng ở một số góc điện khác. Loài hoa này cũng được vua cho khắc lên Cửu Đỉnh trong Đại Nội.

Các nhà khoa học có lý giải khác: ngô đồng là loại hoa xứ lạnh, nở hoa vì thời tiết lạnh. Sau mùa xuân, thời tiết ở Huế đã chuyển sang nóng, ngô đồng đã nở hoa, cho nên có khả năng ngô đồng ở Huế là một loài khác phù hợp thời tiết Huế. Nhưng đó là lý giải khoa học, còn cảm giác chạm vào những cây ngô đồng trong Hoàng Thành vào mùa hoa nở là một cảm giác vui.

Chạm gặp mùa hoa ngô đồng
Những chùm hoa ngô đồng màu hồng nhỏ kiêu sa trong nắng Huế.

Huế đang trùng tu Điện Thái Hòa. Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 128,7 tỷ đồng. Ngôi điện được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1805 tại khu vực Đại Cung môn. Đến năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng lại công trình ở vị trí hiện nay. Thời gian dự kiến hoàn thành dự án từ nay đến tháng 8/2025. Vì thế khách đến Hoàng Thành chỉ tham quan các điện khác. Tuy nhiên, phía sau Điện Thái Hòa hai cây ngô đồng cao chừng 15 mét, vươn bung nở hoa. Đó là lần đầu tiên tôi chạm thấy cây ngô đồng. Những chùm hoa màu hồng nhỏ kiêu sa trong nắng Huế, trong Hoàng Thành và dựa vào ngôi đền đã 200 tuổi. Thế là chụp ảnh, như thể hoa sẽ vội tàn. Ngay con đường phía sau, một cây ngô đồng khác bên vách tường thành cũng nở hoa, du khách đi ngang qua như đang đi qua mùa. Có một cây khác phía sâu vào trong chỉ đang đâm chồi và chưa rụng hết lá, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi mà lòng cảm thấy rất vui.

Ngô đồng không trồng nhiều thành con đường, dẫu nghe nói có người đang tìm cách phát triển một con đường ngô đồng. Nhưng chỉ là lần đầu chạm thấy, là đủ cho một cuộc hành trình.

https://dulich.petrotimes.vn/

Khuê Việt Trường

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]