Du lịch khủng hoảng vì corona

13:14 | 11/02/2020

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Không chỉ riêng y tế mà dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus corona gây ra đang diễn ra phức tạp đã làm đảo lộn nhiều lĩnh vực hoạt động trong xã hội. Trong đó, phải kể đến là du lịch, một lĩnh vực mà nếu “mưa thuận gió hòa” sẽ sôi động vào loại bậc nhất dịp đầu năm. Năm nay, ngành du lịch thực sự đang “khóc dở mếu dở”.
du lich khung hoang vi coronaKhánh Hòa: Tạm ngừng đưa đón khách từ vùng dịch virus Corona
du lich khung hoang vi coronaCác công ty du lịch “cân não” ứng phó với dịch virus Corona

Du lịch vắng bóng người

Dạo quanh những khách sạn nằm ở khu vực phố cổ dịp này, chưa bao giờ lại “lặng như tờ” như vậy, bởi khách du lịch vắng hoe. Thậm chí lễ tân và nhân viên mang vác hành lý cho khách chỉ mỗi việc “ngồi chơi xơi nước” cả ngày. Một vài nhân viên ở các khách sạn nằm trên phố Hàng Bông, Hàng Trống, Bảo Khánh còn nói vui: “Chúng tôi “thất nghiệp” từ tết đến giờ. Chả bù cho năm ngoái, tầm này thở không kịp vì nhiều khách, làm thủ tục hết lượt này đến lượt khác, quay như chong chóng xách hành lý cho khách”.

du lich khung hoang vi corona
Động Hương Tích vắng lặng vì không có khách, một cảnh hiếm thấy dịp lễ hội đầu năm

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội (Sở Du lịch Hà Nội), năm 2018 vào dịp mùa lễ hội đầu năm, khách du lịch nườm nượp thì năm nay, tháng 1, khách du lịch đến Hà Nội chỉ đạt 2.383.446 lượt, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 481.810 lượt khách, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm trước (khách quốc tế có lưu trú đạt 339.676 lượt khách, giảm 8,4% so với cùng kỳ); khách du lịch nội địa đạt 1.742.382 lượt khách, giảm 2% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 8.693 tỉ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng 9 ngày tết (từ 23-1 đến 31-1-2020), khách du lịch quốc tế có lưu trú đến Hà Nội đạt 86.844 lượt khách, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng khách du lịch Trung Quốc giảm 47% với 13.975 lượt khách. Cùng với đó, công suất sử dụng phòng của khối khách sạn cũng giảm như tháng 1, công suất sử dụng phòng trung bình của khối khách sạn giảm 15,5% (ước đạt khoảng 54,4%,) so với cùng kỳ năm 2019. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, tính đến ngày 3-2, số lượng hủy phòng tại các cơ sở lưu trú là hơn 13.000 phòng, tương đương với hơn 16.000 khách; hoạt động lữ hành giảm khi du lịch trong nước (inbound) có hơn 7.600 khách hủy, du lịch quốc tế (outbound) có hơn 7.100 khách hủy; hoạt động của các đơn vị vận chuyển giảm 30-50%; số lượng khách tới các điểm đến giảm 30-50%.

Không chỉ Hà Nội mà nhiều tỉnh thành khác cũng rơi tình trạng tương tự. Cách Hà Nội 50km về hướng Tây Bắc, mọi năm nếu không diễn ra dịch bệnh, mỗi tháng tỉnh Vĩnh Phúc cũng đón khoảng 500.000 lượt khách đến Vĩnh Phúc, tập trung chủ yếu tại Tây Thiên, Tam Đảo và khách sạn Flamingo Đại Lải. Tuy nhiên theo ước tính của ông Nguyễn Xuân Nhâm, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vĩnh Phúc, dịch bệnh do corona đang khiến lượng khách giảm đến 40%. Ông Nhâm cho hay, có hơn 100 khách sạn và hàng trăm nhà nghỉ trong tỉnh thiệt hại nặng. Đầu xuân, đường lên Tây Thiên, Tam Đảo luôn ùn tắc nhưng năm nay vắng vẻ vì không có khách.

Trong giai đoạn vắng khách này, các cơ sở dịch vụ nên dành thời gian đào tạo nguồn lao động và nâng cấp cơ sở vật chất để phục vụ du khách tốt hơn khi dịch bệnh đi qua.

Tương tự, Quảng Ninh cũng vậy. Địa phương nổi tiếng với vịnh Hạ Long từng đón 5,7 triệu khách quốc tế năm 2019 thì năm nay đang rơi vào đợt sụt giảm tới 90% lượng khách. Theo bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, trước đây trung bình mỗi ngày có 12.000 lượt khách tham quan vịnh Hạ Long nhưng tính đến 4-2, lượng khách chỉ còn 3.000 và chắc chắn sẽ giảm nữa. Hoạt động du lịch tạm ngừng tại đây kéo theo 4.000 lao động trên các tàu, bè cung cấp dịch vụ trong vịnh không có việc làm.

Ở vùng biên giới phía Bắc, tỉnh Lào Cai cũng ghi nhận lượng khách quốc tế cao kỷ lục năm 2019 là hơn 800.000 lượt, đa phần là khách Trung Quốc. Trong 10 ngày đầu năm âm lịch, 10.000 khách Trung Quốc đã hủy tour đến Lào Cai, ảnh hưởng đến một nửa hệ thống khách sạn trên toàn tỉnh. Ông Hoàng Văn Tuyên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai cho biết, việc đóng cửa biên giới và ngừng các tour du lịch đã khiến 15.000 người lao động trực tiếp trong ngành này tạm thời thất nghiệp. Trong khi các giải pháp tình thế được đưa ra từng giờ, nhưng liên tục kéo theo các vấn đề phát sinh.

“Đến nay chúng tôi thiệt hại 95% doanh số”, bà Tú Anh, Phó giám đốc một doanh nghiệp lữ hành tại Nghệ An chia sẻ. Địa phương này không đón nhiều du khách quốc tế, chỉ khoảng 680 lượt mỗi tháng. Tuy nhiên dịch bệnh đã khiến hơn một nửa du khách nội địa hủy tour của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Mặc dù được coi là an toàn so với các tỉnh khác nhưng các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Đà Nẵng, Bình Định lượng khách du lịch đến đây cũng sụt giảm hơn 50% từ đầu năm Âm lịch, ở cả thị trường nội địa và quốc tế.

Thiệt hại nhất có lẽ là tỉnh Khánh Hòa với thành phố biển Nha Trang và các khu du lịch khác trong tỉnh ở tình trạng “không bóng người”. Năm 2019, Khánh Hòa đã đón 3,6 triệu lượt khách quốc tế, trong đó khách Trung Quốc chiếm đến 70% (2,5 triệu lượt). Hiện nay, ngành du lịch của tỉnh gần như “đóng băng”, hàng nghìn người Trung Quốc vẫn đang kẹt lại.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh thì cho hay, ngành du lịch đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn trong lịch sử với hiệu ứng domino trong tâm lý du khách, khi họ tìm tới các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và lữ hành đòi lại tiền, hủy tour vì e ngại virus corona. Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Du lịch Việt cho biết, từ Tết Nguyên đán, doanh nghiệp đã phải hủy tour của hơn 200 đoàn khách.

Quá phụ thuộc vào

khách Trung Quốc

Để đối phó với dịch do virus corona gây ra, đồng thời giảm thiểu tổn thất ngành du lịch, hiệp hội du lịch các địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, du lịch là ngành dễ bị tổn thương nhất, đồng thời thiệt hại nặng nhất mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh hay biến động chính trị. Ước tính ngành du lịch sẽ thiệt hại hàng chục nghìn tỉ đồng sau đợt dịch bệnh này và không thể phục hồi lập tức ngay cả khi dịch bệnh kết thúc. Nhưng cũng cần nhìn rõ một vấn đề, thiệt hại mà ngành du lịch đang gánh chịu cho thấy Việt Nam quá phụ thuộc vào khách Trung Quốc. Với sự cố xảy ra, không có khách Trung Quốc là du lịch Việt Nam tổn thất nặng nề ngay.

Ông Vũ Thế Bình đề xuất, trong giai đoạn vắng khách này, các cơ sở dịch vụ nên dành thời gian đào tạo nguồn lao động và nâng cấp cơ sở vật chất để phục vụ du khách tốt hơn khi dịch bệnh đi qua. Đồng thời kích cầu du lịch ngay sau đại dịch và phải tìm giải pháp để thoát khỏi sự phụ thuộc vào khách Trung Quốc.

Nhiều địa phương không đồng tình việc yêu cầu tạm dừng hoạt động của các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, mà cho rằng chỉ nên ngừng các lễ hội để tránh tập trung đông người bởi đóng cửa di tích sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cả khách và doanh nghiệp. Trước mắt, các địa phương kiến nghị cơ quan Nhà nước cần chỉ ra điểm mua khẩu trang, nước rửa tay bình ổn giá bởi nhiều nơi mặt hàng này đang cạn kiệt. Về giải pháp phục hồi, các hiệp hội du lịch mong muốn được vay vốn, hoãn trả nợ để khắc phục hậu quả, đồng thời có các biện pháp miễn, giảm phí visa để tăng tính cạnh tranh, thu hút khách quốc tế quay lại.

Ông Trần Đức Hải thì lưu ý: “Các đơn vị lữ hành, lưu trú, điểm đến cần có những lộ trình, sự chuẩn bị kỹ lưỡng để nâng cao chất lượng điểm đến, dịch vụ khi hết dịch, hồi phục thị trường nhanh nhất có thể, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi quay trở lại các hoạt động đưa, đón khách”.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và dịch vụ du lịch cũng hy vọng được Cục Hàng không chung tay khắc phục các sự cố để giảm thiệt hại, hoàn tiền cho các đơn vị lữ hành và du khách. Được biết, hiện nay, Vietnam Airlines đang nỗ lực cùng các đơn vị lữ hành nghiên cứu khai thác, thực hiện tour tuyến mới đến những nơi không có dịch, để khách có thể yên tâm du lịch. Một số đơn vị vận chuyển cho biết, sẵn sàng cùng gánh vác, hỗ trợ chi phí hoàn trả cho các công ty lữ hành khi phải hủy tour, hoàn trả tiền cho khách.

https://dulich.petrotimes.vn/

Tú Anh

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]