Khám phá nét đẹp sơn thủy hữu tình của hồ Đạ Hàm
Hồ Đạ Hàm một vùng non xanh nước biếc |
Vào ngày đẹp trời, mặt nước như tấm gương khổng lồ soi rõ từng vòm mây. Ngồi trên bờ đập tĩnh lặng ngắm bình minh, sương mờ tan dần loang ra, mặt trời hiện lên chiếu những tia nắng đầu ngày lấp lóa, hơi nước mát lành ùa vào thư thái. Ánh nắng soi rọi những quả đồi tròn như những chiếc bát úp xanh thẳm nghiêng mình in trên mặt hồ. Phóng tầm mắt về phía cánh đồng đang vào vụ, tiếng máy gặt, đập liên hoàn, nhấp nhô nón trắng hòa cùng tiếng cười nói. Bản làng của người Tày, người Nùng, người Mạ quây quần quanh hồ như một bức tranh quê tươi đẹp. Đi ngược về phía thượng nguồn, len giữa cỏ cây hoa lá, lác đác những mái dù của người câu cá thư thái, an nhàn, nghe rõ tiếng động đớp mồi làm lan tỏa cảm giác yên bình.
Hồ Đạ Hàm được khởi công xây dựng từ năm 1999, nơi có những dòng suối nhỏ mang nước từ thượng nguồn quanh năm đầy ăm ắp. Con đập dài 1.355 m nối hai sườn đồi đã chặn đứng những dòng nước để chúng không còn miệt mài chảy đi vô nghĩa mà tụ lại dâng lên thành hồ. Năm 2003, hồ hoàn thành trở thành công trình thủy lợi thứ 2 của huyện Đạ Tẻh với mặt nước rộng gần 30 ha trải rộng được bao phủ bởi rừng nguyên sinh, bởi đồi cây xanh mát. Hơn 20 năm qua, hồ đã mang nguồn nước mát lành phục vụ tưới tiêu cho gần 500 ha đất nông nghiệp, làm nên cánh đồng An Nhơn xanh tươi, trù phú với những hạt nếp quýt căng tròn, là vựa lúa lớn của huyện Đạ Tẻh và cấp nước sinh hoạt cho người dân quanh vùng.
Lễ hội Xuống đồng của đồng bào Tày cầu cho mùa màng bội thu từ nguồn nước hồ Đạ Hàm |
Bản làng của người Tày, người Nùng hướng ra đồng lúa, quây quần quanh hồ. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, người Tày, Nùng từ Cao Bằng, Lạng Sơn di cư vào Đạ Tẻh quần cư cùng cư dân từ huyện An Nhơn (Bình Định) có mặt ở đây từ những năm sau ngày đất nước thống nhất. Các dân tộc anh em cùng nhau khai khẩn đất hoang, biến những bụi cỏ đế to như cái nhà thành đồng, thành ruộng. Dòng nước hồ Đạ Hàm trở thành nguồn sữa ngọt lành tưới tắm quanh năm làm nên cánh đồng nếp quýt nặng hạt. Những hạt nếp quýt mẩy tròn như hạt ngọc chưng cất nên loại rượu nếp quýt thơm nồng đậm vị làm ngất ngây say đắm lòng người, trở thành đặc sản mang thương hiệu mạnh của vùng đất Đạ Tẻh. Để những ngày đầu xuân, trong lễ hội Lồng tồng (xuống đồng), bà con Tày, Nùng cùng tạo nên xôi ngũ sắc, bánh dày ngũ sắc, bánh tro, bánh gù dâng cúng trời đất.
Trong tiếng của người Mạ sống tại buôn Tố Lan, cách hồ không xa thì Đạ Hàm có nghĩa là nguồn nước lớn (Đạ: nước, Hàm: lớn). Có lẽ, những dòng suối không bao giờ cạn từng làm cho đất tươi tốt nổi bật trong một vùng lòng chảo khí hậu nắng nóng khắc nghiệt, nên trở thành dòng nước lớn của đất này. Dòng nước mát lành từ rừng nguyên sinh tụ về làm cho nước hồ Đạ Hàm ăm ắp quanh năm, làm dịu không khí, thay đổi hệ sinh thái và cảnh quan môi trường tự nhiên, điều hòa khí hậu, làm dịu một vùng khí hậu nóng bức. Năm 2012, hồ được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
Lễ hội Lồng tồng của đồng bào Tày, Nùng sống quanh hồ |
Để bảo vệ cảnh quan và nguồn nước, ở đầu nguồn, các tổ chức, cá nhân được giao khoán rừng đã trồng hàng ngàn cây thông Caribe cải tạo môi trường, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên thêm tươi đẹp. Dù chưa có một dịch vụ du lịch nào, nhưng nhiều người tìm đến bên hồ câu cá, được đắm mình trong những phút giây thư giãn, ngắm cảnh hồ từ thượng nguồn nhìn về phía đập nước mênh mông; tận hưởng khí trời trong lành giữa không gian hoang dã.
Mùa xuân là mùa hội, nước hồ như trong hơn, xanh hơn và vẫn ăm ắp đầy dù đang giữa mùa khô. Hội đua thuyền truyền thống của huyện Đạ Tẻh diễn ra vào mỗi mùa xuân về. Từ sáng sớm, dòng người từ khắp ngả đổ về nối nhau đi trên đồng lúa, cờ phướn bay rợp trời, trong tiếng trống thúc giục, mặt hồ gợn sóng. Từng mái chèo khua oàm oạp làm náo động cả một vùng nước. Người người đứng trên bờ đập dõi theo những cuộc tranh tài, phấn khích, hò reo cổ vũ nồng nhiệt. Đã trải qua 18 mùa xuân với 18 cuộc đua tưng bừng, hồ Đạ Hàm như một điểm hẹn đầu xuân được mong chờ, để đến hẹn lại lên, lòng người náo nức tụ hội.
Các loại bánh ngũ sắc của người Tày được làm từ nếp quýt |
Nhiều lần đến hồ Đạ Hàm vào những ngày xuân, cũng cảnh sắc ấy, cũng đất trời ấy, nhưng mỗi mùa xuân đều mang đến cho người thưởng lãm những xúc cảm tươi mới, lạ kỳ. Sức cuốn hút của hồ Đạ Hàm chưa bao giờ là cũ. Những năm gần đây, du khách tìm đến hồ check-in những khoảnh khắc đẹp trong không gian tươi đẹp mỗi ngày thêm đông. Đứng trên bờ đập, hướng ống kính xuống bờ đập mở ra không gian mênh mông đồng lúa; hướng ra mặt hồ xanh thẳm núi đồi hoang sơ, lăn tăn mặt nước, sơn thủy hữu tình. Chiều về, lang thang qua làng bản của người Tày, thưởng thức các loại bánh làm từ nếp quýt được kết tinh từ nguồn nước hồ trong vắt, nâng ly rượu nếp thơm nồng cùng món thịt quay truyền thống của đồng bào để chân bước đi mà lòng chuếnh choáng men say không muốn rời đất này.
Báo Lâm Đồng