Vấn nạn "chặt chém" khách du lịch

Không để việc đã rồi mới xử lý!

10:28 | 20/08/2019

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Vừa qua, một người chạy xích lô ở TP HCM bị truy tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản của du khách. Việc “chặt chém” khách du lịch đã trở thành một vấn nạn của ngành du lịch trong nhiều năm qua. Pháp luật cần có những chế tài xử lý mạnh tay hơn với hành vi này trước khi nó trở thành “căn bệnh nan y” khó chữa.

Mới đây tại TP HCM, một du khách người Nhật 83 tuổi bị một người đạp xích lô “chém” 2,9 triệu đồng cho “cuốc xe” 5 phút. Dù sau đó người đạp xích lô đã bị bắt và có thư xin lỗi, nhưng để lại phía sau câu chuyện là một thực tế đáng buồn: vấn nạn “chặt chém” trong ngành du lịch vẫn còn nhức nhối.

khong de viec da roi moi xu ly
Người bán hàng rong chèo kéo khách du lịch ở khu vực Bến Thành (TP HCM)

Câu chuyện về vị khách người Nhật kể trên không phải là trường hợp đầu tiên được mạng xã hội lan truyền một cách mạnh mẽ. Trước đó, đã có nhiều trường hợp lừa đảo, ép giá, “chặt chém” khách nước ngoài, thậm chí là khách trong nước… được đưa tin liên tục trên các phương tiện truyền thông.

Ví dụ có trường hợp tài xế xe ôm cố tình chở du khách nước ngoài chạy lòng vòng nhiều lần ở khu vực quận 1 (TP HCM), thu của khách tới vài triệu đồng. Khi khách phản ứng, tài xế đã lớn tiếng chửi bới, khiến vị khách hoảng sợ phải trả hơn 2 triệu đồng, trong khi lộ trình chỉ từ Dinh Thống Nhất đến chợ Bến Thành. Hay như câu chuyện người bán hàng rong ép khách nước ngoài mua vài cái bánh rán nhỏ với giá 700.000 đồng ngay tại thủ đô. Hoặc, nhóm du khách Hàn Quốc choáng váng vì bị tài xế taxi ở Hội An đòi 700.000 đồng thay vì 78.000 đồng như hiển thị trên đồng hồ công tơ mét. Rồi, đĩa trứng xào 500.000 đồng, bát cháo giá 400.000 đồng ở Nha Trang...

khong de viec da roi moi xu ly
Du khách quốc tế tham quan TP HCM bằng xe xích lô

Những vụ việc được đưa lên báo chí chỉ là số ít trong rất nhiều vụ việc đã và đang xảy ra đối với khách du lịch. Bên cạnh đó, ngành du lịch vẫn còn tồn tại những vấn nạn khác như móc túi, cướp giật của khách nước ngoài; chèo kéo mua bán đồ lưu niệm làm phiền du khách; khách sạn, nhà nghỉ, hàng quán tại những điểm du lịch tăng giá “cắt cổ”… diễn ra nhan nhản ở khắp các địa phương. Những hành vi xấu trên diễn ra từ vỉa hè cho đến các khu vui chơi giải trí sầm uất, từ các bãi biển, khu du lịch cho đến các nhà hàng, khách sạn... Khách ngoại quốc bị “chém đẹp” đã đành, ngay cả người Việt cũng phải bao phen “ngậm đắng” khi đi du lịch trên quê hương, đất nước mình...

Tổng đài thông tin du lịch 1087 để tiếp nhận và chuyển xử lý thông tin, cung cấp các số hotline của các đơn vị hành chính cho khách du lịch. Đường dây nóng (028.3823 4056) của Thanh tra Sở Du lịch TP HCM hoạt động 24/24h để tiếp nhận các thông tin phản ánh về công tác thanh tra, an ninh trật tự trong du lịch.

Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của ngành du lịch, nhất là sự vào cuộc tích cực của báo chí, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện tượng “chặt chém” được quan tâm đưa ra xử lý nhiều hơn. Các địa phương có ngành du lịch phát triển đều cam kết xử lý nghiêm và có đường dây nóng để khách du lịch phản ánh, giúp đỡ khi bị “chặt chém”, phản ánh về giá cả các loại dịch vụ, thuê phòng, ăn uống, đi lại... để cơ quan chức năng can thiệp, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, hiệu quả mang lại không được như mong muốn, vẫn còn hiện tượng “đánh trống, bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột” theo kiểu phong trào, ra quân ồ ạt một thời gian, sau đó đâu lại vào đấy. Tình trạng khách du lịch bị “chặt chém” không những không giảm mà còn gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp. Nhiều điểm tham quan du lịch nổi tiếng, rất hấp dẫn, thu hút du khách nhưng chỉ vì nạn “chặt chém” nên khách tham quan, nghỉ dưỡng ngày một thưa dần, nhiều người đến một lần không dám quay lại lần hai.

Song, có một điều đáng ghi nhận, với bất kỳ hành vi “chặt chém” du khách nào tại các địa phương, khi được nạn nhân trình báo hoặc dư luận quan tâm phát giác kịp thời thì đều được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm túc, công khai. Từ đó có thể thấy, khi còn xử lý được thì nạn “chặt chém” du khách vẫn chưa đến mức trở thành “bệnh nan y”, bởi nó bùng phát chủ yếu do lòng tham của con người và cách thức quản lý còn nửa vời của các cấp chính quyền sở tại. Thực tế cho thấy, cùng làm du lịch, có địa phương làm rất tốt, nhưng cũng có địa phương thì việc triển khai còn nhiều hạn chế...

Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, TP HCM hiện nay là nơi dễ dàng tiếp cận với các phương tiện giao thông, có nguồn nhân lực phục vụ du lịch khá chuyên nghiệp, luôn nhiệt tình, thân thiện và mến khách… Thành phố luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ lao động trực tiếp phục vụ khách du lịch như: hướng dẫn viên du lịch, lễ tân khách sạn, phục vụ nhà hàng… đặc biệt là lực lượng tài xế, trong đó có các tài xế xe xích lô là một trong những cầu nối giúp khách du lịch có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu thêm về văn hóa, cách sinh hoạt, lối sống của người dân TP HCM.

Theo bà Hoa, hành động của người chạy xích lô trong câu chuyện nói trên chỉ thể hiện “bề nổi” của tình trạng “chặt chém” du khách đã và đang xảy ra trên địa bàn TP HCM trong nhiều năm qua. Hệ lụy nghiêm trọng hơn của nó là đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch địa phương, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho du khách mỗi khi đặt chân đến TP HCM.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Phó giám đốc Sở du lịch TP HCM cho biết, Sở đã và đang phối hợp với lực lượng thanh niên xung phong, lực lượng công an tại các quận, huyện tăng cường kiểm tra, rà soát các điểm có đông khách du lịch tham quan nhằm hướng dẫn, hỗ trợ và bảo vệ du khách kịp thời, tránh trường hợp sự việc đã rồi mới xử lý; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Tổng đài thông tin du lịch 1087 để tiếp nhận và chuyển xử lý thông tin, cung cấp các số hotline của các đơn vị hành chính cho khách du lịch. Đường dây nóng (028.3823 4056) của Thanh tra Sở cũng hoạt động 24/24h để tiếp nhận các thông tin phản ánh về công tác thanh tra, an ninh trật tự trong du lịch.

Để giải quyết triệt để tình trạng “chặt chém” khách du lịch rất cần sự quyết tâm vào cuộc, quyết liệt trong xử lý của các ngành chức năng, ý thức trách nhiệm của người dân địa phương và cả từ sự hợp tác tích cực từ phía du khách. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa kinh doanh du lịch như cần tôn trọng, thân thiện với du khách cho người dân ở các khu du lịch...

Ngoài ra, chính quyền các địa phương cần phân bổ nguồn thu từ du lịch mang lại một cách hợp lý, công bằng. Theo đó, người dân ở địa phương, người kinh doanh du lịch và chính quyền địa phương đều được hưởng lợi do nguồn thu từ phát triển du lịch mang lại nhằm cải thiện cuộc sống người dân, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt an sinh xã hội ở cả khu du lịch và vùng lân cận... Có như vậy mới ngăn chặn và giải quyết triệt để tình trạng “chặt chém” khách du lịch đang diễn ra ngày càng tăng như hiện nay.

Trúc Lâm

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]