Mắm ong U Minh

19:10 | 19/03/2024

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Ở miền Tây Nam Bộ, từ lâu chỉ nghe nói đến mắm các loại cá như: mắm lóc, mắm sặc, mắm rô, mắm trê, mắm cá chốt, mắm cá linh… Tuy nhiên, nhiều năm qua ở khu vực rừng tràm U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau người dân còn chế biến ra một loại đặc sản được nhiều người ưa thích - mắm ong.
Bánh thắng dền Phố cổ - món ăn dân dã ấm lòng du kháchBánh thắng dền Phố cổ - món ăn dân dã ấm lòng du khách
Giới thiệu tinh hoa ẩm thực Bình ÐịnhGiới thiệu tinh hoa ẩm thực Bình Ðịnh
Mắm ong U Minh
Đặc sản mắm ong “Hai Ngò”.

Từ lâu, ngoài các sản vật nổi tiếng như cá đồng, heo rừng, trăn, kỳ đà, rùa rắn, chim trời… dưới tán rừng tràm U Minh Hạ Cà Mau còn là nơi cho loài ong mật về đây hút mật bông tràm, xây tổ để sinh sôi nẩy nở. Ngoài việc đóng tổ tự nhiên, người dân dưới tán rừng còn gác kèo cho ong về xây tổ để ăn ong, lấy mật. Tuy nhiên, sau những lần đi ăn ong, ngoài mật ong rừng còn có rất nhiều ong non (nhộng ong). Lúc đầu, “sản phẩm” ong non chủ yếu được các thợ rừng chế biến các món ăn dân dã, đồng quê như nấu cháo, làm gỏi. Nhưng do số lượng ong non nhiều nên một số người dân sinh sống dưới tán rừng tràm U Minh Hạ nghĩ ra cách làm mắm ong để “ăn cho đỡ ngán”.

Mắm ong U Minh
Nhộng ong non được luộc chín trước khi tảm ướp gia vị để làm mắm.

Mắm ong U Minh có lẽ ngon và nổi tiếng nhất là mắm ong “Hai Ngò”. Nguyên liệu chính để sản xuất mắm ong là nhộng ong mật non. Kỹ thuật làm mắm ong cũng đơn giản, không cầu kỳ và phức tạp. Trước khi làm, tàng ong được rửa sạch và luộc cho ong non chín đều. Khi tàng ong luộc chín được vớt ra để nguội và ráo nước rồi dùng tay tách bóc ong non ra khỏi tấm tàng ong. Sau đó, trộn ong non với thính, muối (với độ măn vừa phải), đường cùng một số gia vị khác để tạo hương vị đặc trưng, đậm đà cho mắm ong. Ong non sau khi đã tẩm ướp gia vị và để qua đêm rồi cho vào keo nhựa. Trước khi đậy kín nắp, dùng bẹ cau khô và sóng dừa “ém” (gài) chặt để cho mắm “chín”. Như vậy, việc làm mắm ong đã hoàn tất.

Do mắm ong ướp ít muối nên rất mau chua. Mắm ong để càng lâu thì càng chua. Mắm ong sau khi làm khoảng 3 đến 5 ngày là có thể ăn được.

Mắm ong U Minh
Mắm ong ăn kèm với các loại rau rừng rất đậm đà hương vị. (Ảnh Huỳnh Lâm/ Baocamau.vn)

Mắm ong có thể kẹp với thịt luộc, cá lóc nướng rơm và ăn kèm với các loại rau đồng như: đọt chùm ruột, lá cách, lá sung, lá sộp, chuối chát, khóm, rau ngò om, hún lủi và không thể thiếu ớt với tỏi. Cái hương vị cay cay, chát chát của rau đồng cùng với mùi thơm của thính và vị chua chua, mặn mặn, béo béo của mắm ong U Minh đã làm siêu lòng cho rất nhiều du khách.

https://dulich.petrotimes.vn/

Camau.gov.vn

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]