Món bánh đặc sản nức tiếng ngày Tết Xứ Dừa

19:30 | 31/01/2022

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Mùa xuân là mùa hoa tươi nở rộ, khởi đầu cho một năm mới, cỏ cây hoa lá đâm chồi nảy lộc khoe sắc đua hương với đất trời làm say đắm lòng lữ khách phương xa. Xuân sắp đến với tiết trời se lạnh của khí hậu cuối đông, dưới bóng dừa nghe âm thanh của ruộng đồng, sông nước phù sa khiến tâm hồn thổn thức nôn nao chờ ngày Tết cổ truyền để được thêm tuổi mới, niềm vui mới.
Festival mùa Xuân Xứ Lạng: Sự kiện hấp dẫn trong dịp tết cổ truyềnFestival mùa Xuân Xứ Lạng: Sự kiện hấp dẫn trong dịp tết cổ truyền
Check-in hồ Đá Trải, Bình ĐịnhCheck-in hồ Đá Trải, Bình Định

Mùa rộn ràng nhất trong năm lại đến với làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng - bánh phồng Sơn Đốc có hơn trăm năm tuổi, món bánh đặc sản nức tiếng Xứ Dừa không thể thiếu mỗi độ Tết đến xuân về và nay là món quà đặc trưng của Bến Tre gởi đến du khách khi đến với Xứ Dừa.

Đầu tháng 11 âm lịch tại xã Mỹ Thạnh và xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre lại sôi nổi với các hoạt động sản xuất, tiếng chày giã bánh, tiếng hò, tiếng hát, tiếng cười, tiếng nói rộn ràng gợi lên không khí vô cùng vui tươi tràn đầy sắc xuân. Đây có thể nói là mùa vui nhất trong năm của hai làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc nổi danh này.

Bánh tráng Mỹ Lồng - Vị ngọt theo thời gian

Từ thành phố Bến Tre, xuôi theo Tỉnh lộ 885 qua cầu Chẹt Sậy (cách thành phố Bến Tre 4km) là đến xã Mỹ Thạnh nổi tiếng với bánh tráng Mỹ Lồng. Tên gọi Mỹ Lồng, chợ Mỹ Lồng... là tên làng trước đây để chỉ một địa danh, nơi đây được nổi danh với thương hiệu “bánh tráng Mỹ Lồng" nổi tiếng khắp xứ Bến Tre và lan tỏa ra cả nước.

Đến đây, phía xa thấp thoáng đã thấy dọc hai bên mặt tiền đường,trước sân của các hộ làm bánh là những phên bánh tráng trải dài thẳng tắp được phơi dưới ánh nắng mặt trời nối liền nhau từ nhà này sang nhà khác. Mùi thơm của bánh lan tỏa ngào ngạt hòa vào không khí của những ngày cận Tết khiến ai nấy đều cảm thấy thổn thức vì mùa xuân đang đến rất gần. Ở đây, bất kể người già, trẻ nhỏ, thanh niên, phụ nữ, ai cũng tham gia công việc làm bánh hết sức tỉ mỉ và thuần thục.

Chỉ từ nguyên liệu địa phương là bột gạo hòa quyện nước cốt dừa, đường, muối… người dân Mỹ Lồng đã sáng tạo và làm nên những chiếc bánh tráng thơm ngon, nhiều hương vị. Gạo để tráng bánh phải là loại gạo ngon, thơm vừa, không quá khô, được vo kỹ và xay nhuyễn thành bột nước. Dừa chọn những trái già, cùi dày, nạo lấy nước cốt đặc và sánh. Người dân trên đất Mỹ Lồng hiền hòa, lành nghề, khéo tay đã thổi hồn vào chiếc bánh nổi tiếng đến ngày nay.

Pha bột tráng bánh thường là những người có nhiều kinh nghiệm, bột pha đúng và đủ thì bánh không bị dính khuôn, dễ dàng trong việc lật trở khi phơi khô. Người tráng bánh lành nghề cho ra thành phẩm là những chiếc bánh tròn, độ dày mỏng và đều nhau. Bánh tráng xong được đặt trên những tấm phên làm từ lá dừa để phơi. Nhìn những chiếc bánh tráng tròn đều, đẹp tăm tắp như một bức tranh nghệ thuật mà chính những thợ làm bánh là những nghệ nhân làm đẹp cho tác phẩm. Có tận mắt chứng kiến từ lúc pha bột, tráng bánh, đem phơi… mới thấy chiếc bánh được tạo ra từ sự khéo léo, kì công và rất tinh tế.

Món bánh đặc sản nức tiếng ngày Tết Xứ Dừa
Đầu bếp nổi tiếng thế giới Martin Yan tìm hiểu quá trình tráng bánh tại làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (Ảnh: XTDL)

Ngày nay, để hội nhập với xu thế thì chiếc bánh tráng cũng phải có nhiều chủng loại để du khách có thể lựa chọn như: bánh tráng sữa trứng gà, bánh tráng mặn có tôm khô lạp xưởng, bánh tráng gừng… nhưng nhìn chung, bánh tráng mè truyền thống vẫn chiếm ưu thế.

Bánh phồng Sơn Đốc- Thấm đẫm vị quê hương

Bánh phồng là loại bánh khi nướng lên phồng to gấp 3-4 lần so với khi chưa nướng nên gọi là bánh phồng. Bánh phồng Sơn Đốc cũng được lấy tên từ địa danh Sơn Đốc thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, nơi mà từ lâu nổi danh với các loại bánh phồng nếp. Ngày trước, nghề làm bánh phồng của người dân ở đây còn nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ cho các lễ cúng ông bà Tổ tiên, lễ Tết hoặc biếu người thân, chưa ai nghĩ chiếc bánh phồng đơn giản ấy lại trở nên nổi tiếng như hôm nay và đi xa cả nước, xuất khẩu ra nước ngoài; đặc biệt là khách du lịch mua làm quà cho bạn bè, người thân. Vị ngon của bánh không trùng lắp với bất cứ loại bánh nào của nơi khác, vị thơm của mè và nếp, béo của nước cốt dừa làm cho món bánh trở nên đặc biệt.

Làm bánh tráng đã khó, làm bánh phồng lại càng khó hơn vì nhiều công đoạn. Nếp làm bánh phồng là nếp sáp nổi tiếng của Bến Tre, gạo nếp được đồ thành xôi rồi giã nhuyễn cùng với đường cát, nước cốt dừa… Vào các ngày cận Tết, tiếng chày giã lại càng rộn rã hơn vì người dân phải thức thâu đêm sản xuất để kịp phục vụ Tết. Ngày trước, công việc giã bột là của đàn ông, thanh niên, hiện nay để kịp sản xuất thì khâu quết bánh đã có máy, giã xong sẽ chuyển sang khâu bắt bột và cán bánh.Đối với bánh tráng hay bánh phồng, việc tạo ra hình tròn của chiếc bánh đều làm bằng thủ công không qua máy móc, tráng bánh hay cán bánh phồng là cả một quá trình đặt hết tâm trí của người thợ để tạo ra những thành phẩm trọn vẹn.

Món bánh đặc sản nức tiếng ngày Tết Xứ Dừa
Bánh phồng Sơn Đốc được phơi trên chiếu lát (Ảnh: XTDL)

Khâu phơi bánh phồng cũng rất được chú trọng, làng nghề bánh tráng, bánh phồng luôn phải phụ thuộc vào thời tiết, ai cũng mong nắng tốt để bánh có thể ngon hơn. Bánh phồng hiện nay có rất nhiều loại, bánh phồng mì, bánh phồng chuối, bánh phồng nếp… Khi nướng bánh sẽ nở to gấp 3-4 lần so với trước khi đem nướng, bánh muốn ngon phải nướng trên bếp than đồng đỏ rực, cái âm thanh xốp với mùi vị thơm ngon của sản vật quê hương gói trọn tinh thần của người làm ra chiếc bánh. Ngày nay bánh phồng Sơn Đốc mang hương sắc miệt vườn quê hương được nhiều người biết đến trong và ngoài nước, là món quà xuân ý nghĩa, phổ biến trong những ngày Tết.

Chiếc bánh mang kí ức của bao thế hệ

Điều làm cho món bánh đặc sản này nổi tiếng và có chỗ đứng trên thị trường khi hiện nay các loại bánh ngày càng đa dạng chính là do chất lượng từ cái “tâm" và lành nghề của người thợ và phong phú trong sự sáng tạo về chủng loại. Có thể thưởng thức món bánh bất cứ mùa nào trong năm nhưng mùa xuân chính là thời điểm có thể chiêm ngưỡng và thưởng thứ. Đặc biệt người dân miền Tây Nam Bộ, nhà nào cũng có bánh tráng, bánh phồng trong ngày Tết truyền thống.

Bánh tráng Mỹ Lồng - Bánh phồng Sơn Đốc thể hiện được bản sắc cộng đồng địa phương, phản ánh được nét văn hóa và sự sáng tạo của con người kế tục, truyền lại bí quyết qua bao thế hệ để giữ lấy cái nghề của cha ông; làm hưng thịnh cả một làng nghề hơn trăm năm tuổi. Chính vì vậy, làng nghề đã được Bộ Văn hóa Thể Thao Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào cuối năm 2018. Đó là niềm tự hào của những người dân tạo ra chiếc bánh và niềm vui của cư dân Bến Tre bên cạnh nhiều sản vật của đất trời.

Có về làng nghề bánh tráng, bánh phồng mùa này mới cảm nhận hết cái không khí trước, trong và sau ngày Tết. Đến đây, mọi người không chỉ thưởng thức được vị béo thơm của bánh ngay tại lò mà còn được thưởng thức âm thanh mùa xuân, ngắm những phên bánh đang phơi khắp mọi nẻo đường, hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của bà con sông nước.

Món bánh đặc sản nức tiếng ngày Tết Xứ Dừa
Bánh tráng Mỹ Lồng - Bánh Phồng Sơn Đốc đã được nướng chín là món quà ý nghĩa mỗi dịp Xuân về (Ảnh: XTDL)

Bánh tráng, bánh phồng trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Nam Bộ nói chung và Bến Tre nói riêng. Cứ mỗi khi 29 hay 30 Tết, người người nhà nhà sum vầy bên ánh lửa bập bùng nồi bánh tét, nướng lên chiếc bánh thơm ngon bình dị, đậm đà tình quê, thưởng thức bánh chờ giao thừa đến, hình ảnh ấy quá đỗi thân quen, trở thành kí ức tươi đẹp, nằm sâu trong tiềm thức của mỗi con người khó có thể phai mờ.

https://dulich.petrotimes.vn/

Dulich.bentre.gov.vn

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]