Phong tục đón Tết của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu

19:15 | 31/01/2024

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Với trên 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Bình Liêu được biết đến là địa phương sở hữu nhiều giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo thông qua các hoạt động lễ hội, trang phục, ẩm thực truyền thống, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian... của các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ. Đặc biệt, đồng bào dân tộc nơi đây luôn ý thức gìn giữ, phát huy, lưu truyền những nét đẹp riêng có trong phong tục đón Tết Nguyên đán.
Bình Liêu: Khám phá “viên ngọc” miền biên cương Tổ quốcBình Liêu: Khám phá “viên ngọc” miền biên cương Tổ quốc
Bình Liêu - Quảng Ninh: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịchBình Liêu - Quảng Ninh: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
Phong tục đón Tết của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu
Mâm cơm ngày Tết của người Dao là những món ăn do gia đình tự nuôi, trồng được. Ảnh: Hoàng Gái (CTV)

Cũng như hầu hết các dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam, nhân dân các dân tộc Bình Liêu coi Tết Nguyên đán là tết lớn nhất. Thông thường, từ ngày 25 tháng Chạp, nhà nhà bắt đầu rửa lá để chuẩn bị gói bánh chưng, bánh coóc mò để có không khí Tết. Cùng với đó, các gia đình cũng tập trung trang trí, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà cho ngăn nắp, sạch sẽ. Song mỗi dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ lại có những phong tục đón Tết độc đáo của riêng mình.

Theo tục lệ của người Dao, Tết thường bắt đầu từ 15 tháng Chạp đến 30 tháng Giêng hay còn gọi là Tết sớm. Người Dao quan niệm, đã mời tổ tiên xuống giúp bảo vệ nhà cửa, mùa màng trong một năm (thực hiện ở nghi lễ đầu năm mới), thì đến cuối năm phải có lễ tạ ơn.

Anh Dường Phúc Thím, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn, cho biết: Sau rằm tháng Chạp, mỗi dòng họ sẽ chọn ngày đẹp để tổ chức ăn Tết tại nhà tổ - nơi thờ cúng tổ tiên của mỗi dòng họ người Dao rồi mới được về chuẩn bị đón Tết ở nhà riêng của mình. Ngày ăn Tết tại nhà tổ được thông báo tới các gia đình trong dòng họ. Chủ gia đình mang theo lễ vật (gà, thịt lợn, rượu, gạo nếp, hương, giấy vàng...) đến cùng nhau tổ chức đón Tết. Theo sự sắp xếp của trưởng họ, mỗi người đảm nhận những phần việc, như: Phụ nữ đồ xôi, nhặt rau, nấu các món ăn truyền thống; các thanh niên khỏe mạnh thì giã bánh dày, mổ lợn; phần nặn bánh cần những bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ; người già thì giúp thầy cúng cắt vàng mã, sắp xếp đồ lễ...

Phong tục đón Tết của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu
Nghi lễ lấy nước dịp đầu năm của người Tày.

Người Tày ở Bình Liêu chiếm trên 50% dân số của huyện. Theo phong tục bao đời, ngày 30 tháng Chạp, từ sáng sớm các gia đình dựng cây nêu, quét dọn nhà cửa, dán giấy đỏ lên bàn thờ, cửa chính, cửa bếp và chuồng trại, vật dụng, cây cối, sau đó tất bật sửa soạn mâm cơm cúng. Người Tày gói 2 loại bánh chưng khác nhau là bánh dài tượng chưng cho mẹ và bánh tròn tượng trưng cho bố, thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với ông bà và cầu mong cho một mùa màng bội thu, một cái Tết đầm ấm. Mọi công việc đều được làm nhanh chóng cho lễ cúng tiễn đưa năm cũ, đón năm mới và mời tổ tiên về cùng ăn Tết. Khi nghi lễ cúng được hoàn tất, các thành viên trong gia đình quây quần thưởng thức bữa cơm tất niên.

Đêm 30 Tết, cùng với việc đón giao thừa, người phụ nữ trong gia đình cũng tất bật chuẩn bị những lễ vật cho nghi lễ lấy nước - nghi lễ quan trọng nhất mỗi dịp đầu năm của người Tày, gồm: Xôi vàng, cành hoa dâu, vàng hương. Vào sáng sớm ngày mùng 1 Tết, các gia đình người Tày thường đi gánh nước suối về để rửa mặt, với tâm niệm dùng nước mới đầu năm con người sẽ mát mẻ, an lành quanh năm. Những ngày xuân cũng là dịp để bà con dân tộc Tày cùng tham gia những sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng với các trò chơi dân gian, như ném còn, đánh cừ cáy, cừ pộc, hát then - đàn tính.

Phong tục đón Tết của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu
Sáng 30 Tết, các gia đình người Tày sẽ thực hiện quét dọn nhà cửa, dán giấy đỏ lên bàn thờ, cửa chính, cửa bếp, đồ dùng, vật dụng trong nhà với mong muốn đón nhiều may mắn trong năm mới.

Đối với đồng bào dân tộc Sán Chỉ, từ khoảng 27 tháng Chạp, các nhà mới bắt đầu gói bánh chưng để chuẩn bị Tết. Đến chiều 30 Tết, mỗi nhà lấy lá đa và chặt một cây tre cao hơn 2m cắm vào bên cửa để lấy lộc đón năm mới và chọn hướng xuất hành đầu năm (theo hướng thầy mo đã chọn cho). Đêm 30 Tết, chủ nhà lấy giấy đỏ và vàng cắt hình con cá treo lên cành tre và đến sáng mùng 1 Tết sẽ bẻ cành tre treo 2 con cá mang vào nhà đặt trên bàn thờ hoặc tủ cao.

Ông Trần A Sằn, cao niên thôn Lục Ngù, xã Húc Động, chia sẻ: Giống như người Tày, vào ngày mùng 1, người Sán Chỉ cũng kiêng kỵ không vào nhà người khác chơi, thường chỉ ở nhà thắp hương thờ cúng tổ tiên và tránh sát sinh nên sẽ kiêng ăn thịt cả ngày hoặc đến chiều tối mới ăn. Đến ngày mùng 3, các gia đình sẽ cùng làm lễ khai xuân, đốt cành tre treo con cá giấy được cắm từ mấy hôm trước và gõ kẻng để xua đuổi những điều không may, bệnh tật ra khỏi nhà. Suốt nhữngngày Tết, bà con dân bản cùng nhau tổ chức hội xuân, vui các trò chơi như đẩy gậy, đánh quay, đặc biệt tục hát Soóng Cọ không thể thiếu trong những ngày này.

Phong tục đón Tết của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu
Phụ nữ dân tộc Sán Chỉ hào hứng với trò chơi đánh quay trong những ngày Tết.

Trong dòng chảy văn hóa hội nhập mạnh mẽ song những giá trị văn hóa truyền thống nói chung và những phong tục độc đáo, ý nghĩa của ngày Tết Nguyên đán nói riêng vẫn được bà con Tày, Dao, Sán Chỉ ở Bình Liêu gìn giữ, trân trọng. Qua đó, không chỉ gửi gắm mong ước về một năm mới an lành, hạnh phúc đủ đầy mà còn là cách để khắc ghi công lao của tổ tiên, cội nguồn và nhắc nhở, giáo dục con cháu về trách nhiệm gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Duy Khoa/ Quảng Ninh Portal

https://dulich.petrotimes.vn/

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]