Thả đèn trời ở làng cổ Thập Phần

03:03 | 21/07/2023

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Trong hành trình đến Đài Loan, tôi đợi mãi để được đến làng cổ Thập Phần, một nơi cực kỳ hấp dẫn chỉ để viết ước nguyện của mình và thả lên bầu trời xanh giữa đường ray xe lửa.
Đừng bỏ lỡ trải nghiệm “Chợ tình Sa Pa”Đừng bỏ lỡ trải nghiệm “Chợ tình Sa Pa”
Ghi chép ở Đài LoanGhi chép ở Đài Loan
Thả đèn trời ở Thập Phần
Thả đèn trời ở làng cổ Thập Phần.

Và đó là buổi trưa cuối cùng của chuyến đi năm ngày đến đảo quốc này, sau đó là ra sân bay về Việt Nam. Tại sao không thả đèn trời vào ban đêm? Anh hướng dẫn viên trả lời là chỉ vào rằm tháng giêng trong lễ hội đèn trời mới có lễ thả đèn lồng ban đêm, còn bây giờ với lượng du khách mỗi ngày tìm đến, nghi thức thả đèn chỉ diễn ra ban ngày. Và nghi thức ấy chỉ diễn ra một phút, nhưng cực kỳ ấn tượng.

Kể câu chuyện về ngôi làng cổ này. Đây là làng cổ cách Đài Bắc 30 km được xây dựng vào thời kỳ đầu nhà Thanh và đến nay đã 100 năm tuổi. Trước khi đi thả đèn, chúng tôi đi thăm thác nước. Đi xuống một con dốc nhỏ, đi qua những cửa hàng bán đồ ăn mùi thức ăn thơm phức, qua chiếc cầu sắt và bắt gặp đường ray xe lửa, cuối cùng tới thác nước. Thác nước nhỏ nhưng rất đẹp, là nơi để bạn nhìn ngắm cũng như chụp ảnh lưu giữ. Dọc đường vào thác có vô số quán bán xúc xích, lạp xưởng và trái cây… Đặc biệt quán do người Việt bán nên bạn thoải mái nói chuyện. Chúng tôi mua vài cây xúc xích nướng còn nóng với giá 100 Đài tệ một cây, thêm lon bia 80 tệ ra những chiếc bàn ven con suối tận hưởng.

Thả đèn trời ở Thập Phần
Thác nước
Thả đèn trời ở Thập Phần
Cầu ở làng cổ Thập Phần

Nơi thả đèn lồng cách đó không xa, chúng tôi dùng cơm ở một quán ngay cuối con dốc, đặc biệt quán dùng toàn chén giấy, đĩa giấy vì không đủ nhân viên phục vụ. Rồi ra quán tạp hóa nhỏ bên cạnh, cũng do người Việt bán, mua chiếc áo lưu niệm và lên con dốc thả đèn trời.

Câu chuyện tục lệ thả đèn được giải thích bởi ngôi làng hay bị cướp, nên dân làng lên núi ẩn tránh. Đến khi bình yên những người ở lại thả đèn lên trời báo hiệu, người dân mới trở về. Rồi từ đó, các đơn vị du lịch đưa việc thả đèn trời vào trong chương trình của mình. Mỗi chiếc đèn có màu sắc trắng, xanh, đỏ, vàng… với ý nghĩa khác nhau. Ai thích màu nào chọn màu đó, có giá khoảng 100-200 tệ dành cho bốn người vì có bốn mặt để viết lời cầu nguyện.

Theo lịch sử, đèn lồng được phát minh trong thời kỳ Tam Quốc (220 - 265 sau Công nguyên) bởi Zhuge Liang Kongming để truyền thông tin quân sự cho các đồng minh. Đầu thế kỷ 19, truyền thống Lễ hội đèn lồng đã được mang đến Đài Loan và được tổ chức vào đầu mùa trồng trọt, nơi mọi người sẽ thả những chiếc đèn trời lên không trung với những lời cầu nguyện cho năm tới. Đèn lồng làm bằng giấy có kích cỡ rộng 0,6 m và cao tầm 0,8 m khi bung ra, bít kín bên trên.

Thả đèn trời ở Thập Phần
Đèn nhiều màu sắc.
Thả đèn trời ở Thập Phần
Có cả ngàn người đến đây thả đèn mỗi ngày

Tại Thập Phần, có cả ngàn chiếc đèn lồng xếp gọn để sẵn ngay một nhà hàng mang tên Việt Nam. Cạnh đó là những chiếc giá để lọ mực và bút lông. Bạn mua đèn lồng xong, nhân viên cửa hàng gắn đèn lên giá đỡ xoay các mặt cho bạn viết, đa phần là cầu nguyện bình an và hạnh phúc. Có lời dặn dò là không viết địa chỉ, số điện thoại lên vì đèn sẽ rơi sau khi hết lửa đốt, và có một bộ phận đi nhặt những chiếc đèn lồng rơi nếu không bị cháy.

Có bao nhiêu du khách đến Đài Loan thì bấy nhiêu người đều đến đây viết ước nguyện của mình thả lên bầu trời.

Thả đèn trời ở Thập Phần
Khi tàu hỏa đi qua, du khách sẽ đứng sang hai bên để chụp hình.

Khi đến nơi, bạn sẽ ngay lập tức chú ý đến đường ray xe lửa được xây dựng dọc theo đường phố. Hoàn thành vào năm 1921, tuyến đường Bình Khuê dài 12,9 km ban đầu được xây dựng để vận chuyển than và chạy qua Thụy Phương và Bình Khuê. Khi chúng tôi đến, có hai lần xe lửa chạy ngang, chạy từ từ. Có thể tài xế xe lửa quen cảnh náo nhiệt nơi khu phố thả đèn lồng, nên chạy rất chậm.

Chúng tôi gồm hai người lựa chiếc đèn lồng màu đỏ, cô gái ở nhà hàng việt Nam nói vừa tiếng việt vừa tiếng Hoa hướng dẫn viết chữ lên bốn mặt. Chỉ là viết cầu bình an thôi, để thả lên bầu trời xanh thẳm kia.

Thả đèn trời ở Thập Phần
Những chiếc đèn ước nguyện lại được thả bay cao lên bầu trời xanh.

Chiếc đèn sau khi viết chữ được đem ra giữa đường ray, bung rộng ra, bên dưới là một miếng giấy tẩm dầu. Người đàn ông có nhiệm vụ đốt lửa vô cùng mau lẹ cúi sát xuống chiếc đèn để đốt, đưa chiếc điện thoại cho cô gái bán đèn lồng, cô ấy vừa chụp ảnh vừa quay lại khoảnh khắc thả chiếc đèn lồng mang theo ước nguyện lên bầu trời xanh. Theo tính toán thì chiếc đèn sẽ bay cao khoảng 20 m và khi hết lửa sẽ rơi xuống ở khu vực nào đó.

Rời khỏi làng cổ Thập Phần, ngắm nhìn đường ray xe lửa trong buổi trưa Xứ Đài, lại có những người khách đến, những chiếc đèn ước nguyện lại được thả bay cao lên bầu trời rất xanh.

https://dulich.petrotimes.vn/

Khuê Việt Trường