Tục hát giao duyên của ngư dân trên Vịnh Hạ Long

14:00 | 03/12/2023

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Tham quan không gian làng chài, Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn hay chèo đò ở làng chài Ba Hang... từ lâu đã trở thành nét đẹp, hấp dẫn du khách. Trong đó, điểm nhấn là du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục hát giao duyên ngay trên mặt biển, phía trước Trung tâm hoặc giao lưu với nghệ sĩ biểu diễn...
Làng chài Cửa Vạn - Làng chài Cửa Vạn - "Ốc đảo" xinh đẹp trong lòng di sản
Làng chài ở vịnh Hạ Long được ví như nơi “cổ tích có thật”Làng chài ở vịnh Hạ Long được ví như nơi “cổ tích có thật”
Tục hát giao duyên của ngư dân trên Vịnh Hạ Long
Biểu diễn hát giao duyên trên vịnh Hạ Long, phục vụ du khách tham quan ở Cửa Vạn.

Hát giao duyên là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của ngư dân trên vùng biển Hạ Long. Giai điệu của lối hát mềm mại, chậm rãi, mênh mang trữ tình, chứa đựng nhiều từ ngữ địa phương của ngư dân miền biển. Theo những lão ngư thì hát giao duyên ra đời từ xa xưa, được cư dân vạn chài sáng tạo từ đời sống sinh hoạt phong phú, nhiều màu sắc. Đó là những câu hò, điệu hát, câu răn dạy ẩn chứa những tri thức văn hóa dân gian, kinh nghiệm... của cha ông truyền lại. Trong mỗi câu hát đều chứa đựng niềm vui, nỗi buồn, ước vọng, hoài bão... Hát giao duyên Hạ Long gồm hát đúm, hát chèo đường và hát đám cưới với nhiều hình thức và làn điệu.

Hát đúm còn có tên gọi dân giã là hát trai gái, hát đúm là lối hát đối đáp thể hiện tình yêu đôi lứa. Lời ca lấy từ câu ca dao thể lục bát thể hiện tình yêu lứa đôi, cũng như ngợi ca cảnh đẹp thiên nhiên. Lời hát cũng mộc mạc chân thành như chính con người vạn chài. Hát đúm thường trải qua các trình tự như: Hát chào, hát tìm, hát hỏi và cuối cùng là hát giã bạn. Hát đúm là cơ hội để nam nữ tìm hiểu nhau. Mỗi điệu hát lại mang trong mình hơi thở, sự sống của ngư dân nơi đây. Hát chèo đường (chèo thuyền, hò biển) là lời hát giao lưu, tìm bạn. Những lời hát đối đáp được cất lên hết sức tự nhiên, giai điệu mềm mại trữ tình sâu lắng thường được mở đầu bằng câu "ơ hò" ngân nga như tín hiệu để tìm bạn đường.

Bà Dương Thị Gái (tổ 5, khu 2, phường Hùng Thắng, TP Hạ Long), vốn là ngư dân làng chài thôn Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long, chia sẻ: Dù chỉ truyền miệng nhưng hát giao duyên đã ăn vào máu thịt của chúng tôi. Câu hát theo chiếc võng đưa nôi khi nhỏ, lớn lên hát để giải khuây, tìm bạn đời, thể hiện tâm tình khi lớn... Ông bà, bố mẹ tôi đều nên vợ thành chồng qua những câu hát giao duyên của người dân vùng biển Hạ Long.

Thời gian qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tích cực sưu tầm các bài hát giao duyên. Cùng với đó, mở các lớp dạy hát cho con em ngư dân tại làng chài do các nghệ nhân cao tuổi đứng lớp. Hát giao duyên bước đầu đã được phát huy, đưa vào biểu diễn phục vụ du khách và được đánh giá cao. Các hãng lữ hành đã đưa chương trình hát giao duyên vào tour quảng bá, trở thành một trong những điểm nhấn của hành trình khám phá Di sản. Đến nay, với nhiều hãng lữ hành, hãng tàu du lịch lớn, hát giao duyên đã trở thành “món ăn tinh thần" không thể thiếu của du khách Âu, Á...

Do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể có việc lớp trẻ không còn mặn mà với các làn điệu hát giao duyên truyền thống nên việc bảo tồn thể loại này gặp không ít khó khăn. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thành lập đội hát giao duyên thuộc Trung tâm bảo tồn văn hóa biển với thành viên là con dân của làng chài có năng khiếu ca hát. Đây là cách vừa biểu diễn phục vụ khách du lịch lại vừa là cách bảo tồn hiệu quả nhất lúc này.

Hà Phong/ Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

https://dulich.petrotimes.vn/

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]