Đánh thức miền Non nước Cao Bằng

14:55 | 29/07/2019

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Cao Bằng tự hào được mệnh danh là miền non nước bởi có bề dày văn hóa, lịch sử nghìn năm với nguồn văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú; nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng trong nước và quốc tế; được UNESCO công nhận Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu. Sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã tích cực đẩy mạnh thực hiện chương trình trọng tâm phát triển du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và tầm nhìn 2030.
danh thuc mien non nuoc cao bangPhát huy tiềm năng du lịch Đồng Tháp- đưa du lịch “Thủ phủ sen hồng” cất cánh
danh thuc mien non nuoc cao bangLễ hội hang động Quảng Bình 2019: Cơ hội quảng bá tiềm năng du lịch

Non nước Cao Bằng không chỉ có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế đối ngoại trên vùng Đông Bắc, nơi địa đầu Tổ quốc mà còn ví như “miền cổ tích”. Bởi trên mỗi dãy núi, dòng sông, vùng dân cư, thắng cảnh đẹp đều gắn với tinh hoa văn hóa, lịch sử được bảo tồn, gìn giữ, hiện hữu trong đời sống hằng ngày của đồng bào các dân tộc nơi đây.

danh thuc mien non nuoc cao bang
Cao Bằng có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc hữu tạo ra văn hóa ẩm thực phong phú, hấp dẫn.

CỘI NGUỒN CỦA LỊCH SỬ VÀ TINH HOA VĂN HÓA ĐẶC SẮC

Cao Bằng là một trong những chiếc nôi của người tiền sử từ hơn 20.000 năm trước, nơi con người cư trú, phát triển liên tục cho đến ngày nay. Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, từ thời tiền sử, sơ sử nhà nước Việt Nam, thời kỳ phong kiến đến lịch sử hiện đại đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, Cao Bằng đều vinh dự là miền đất cội nguồn của dòng chảy lịch sử dân tộc.

Thời kỳ tiền sử, Non nước Cao Bằng, nơi không gian văn hóa, xã hội Văn Lang - Âu Lạc - văn hóa Đông Sơn được lưu truyền trong dân gian qua truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua) của người Tày Cao Bằng kể về quá trình hình thành nhà nước Nam Cương tại Cao Bằng của Thục Chế và con trai là Thục Phán, người sau này cũng trở thành vua của nhà nước hợp nhất Âu Lạc (thế kỷ III trước Công nguyên) và dời đô xuống Cổ Loa (nay thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội).

Truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” mô tả sinh động, hấp dẫn về Cao Bằng có trung tâm là Kinh đô Nam Bình (nay là Cao Bình, xã Hưng Đạo, Thành phố). Đến nay ở Cao Bình còn nhiều dấu tích, di tích cổ, như: Di tích cự thạch Đôi guốc đá, thành Bản Phủ, giếng ngọc Bó Phủ, cánh đồng Tổng Chúp... Đến thế kỷ XVI - XVII, nhà Mạc lên Cao Bằng xây dựng Vương triều Mạc, nơi đây trở thành trung tâm chính trị - văn hóa với chuỗi di tích lịch sử thành nhà Mạc, thành Na Lữ, đền Vua Lê, chùa Đà Quận, đền Kỳ Sầm...

Đến thời kỳ lịch sử hiện đại, năm 1941 - 1945, Cao Bằng vinh dự thay mặt cả nước đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc lãnh, chỉ đạo cách mạng trong nước sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước. Quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng ở Cao Bằng gắn liền với nhiều dấu mốc trọng đại của lịch sử đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước Việt Nam và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Vì thế Cao Bằng có nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị du lịch, như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, làm việc; Khu di tích mộ Anh hùng liệt sĩ Kim Đồng; Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình) - nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay; Di tích đồn Phai Khắt diễn ra trận đánh mở đầu cho truyền thống trăm trận trăm thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng; Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An.

Song hành cùng với các dấu mốc lịch sử dân tộc, quá trình quần cư sinh sống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ, Kinh, Hoa..., trên mỗi vùng đất Cao Bằng đã hình thành nên kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú, độc đáo, đa dạng và mang đậm triết lý nhân sinh cao đẹp. Hội tụ tinh hoa văn hóa đa sắc tộc, Cao Bằng được xướng danh là “miền đất cổ tích” thu hút ngày càng nhiều nhà nghiên cứu, khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu các lễ hội độc đáo, như: Lễ hội đền Kỳ Sầm, chùa Đống Lân, đền Vua Lê (Thành phố); Lễ hội Pháo hoa, Thanh Minh (Quảng Uyên); Lễ hội Lồng tồng người Tày, Nùng (Bảo Lạc, Trùng Khánh…); Lễ hội Chọi bò của người Mông, Nùng, Dao (Bảo Lâm, Thông Nông, Hà Quảng); Lễ hội Nàng Hai - Nàng Trăng (Phục Hòa)...

Cùng với đó còn có một nền nghệ thuật đặc sắc, như: hát Then, Sli, Lượn, Dá Hai… Khám phá văn hóa bản địa với không gian kiến trúc nhà sàn gỗ, nhà trình tường, nhà xây bằng đá, hàng rào đá; trải nghiệm làng nghề rèn, làm hương thơm, thêu sáp ong, đi chợ phiên vùng cao, chợ tình… để cùng thưởng thức ẩm thực làm từ sản vật đặc hữu hấp dẫn, như: hạt dẻ, bánh cuốn, phở chua, phở vịt quay, bánh khảo, khẩu sli, bánh trứng kiến, xôi trám đen, xôi trứng kiến, rau dạ hiến xào phở, chân giò hầm hạt dẻ, thạch đen, thạch trắng…

GIÁ TRỊ DI SẢN ĐỊA CHẤT, VĂN HÓA NHÂN LOẠI

Không chỉ có nhiều thắng cảnh đẹp hùng vĩ, kỳ thú, thơ mộng, miền Non nước Cao Bằng còn có địa chất, địa mạo đa dạng, phong phú. Chính vì lẽ đó, từ năm 2015 - 2018, tỉnh Cao Bằng nỗ lực xây dựng hồ sơ CVĐC Non nước Cao Bằng và được Hội đồng chấp hành UNESCO xem xét công nhận danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng vào tháng 4/2018. Đây là dấu mốc quan trọng mà thế giới và trong nước công nhận, tôn vinh các giá trị di sản địa chất, văn hóa, lịch sử Cao Bằng, mở ra cơ hội mới đánh thức miền Non nước Cao Bằng.

CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng rộng gần 3.300 km², trải dài trên 9 huyện với 3 tuyến hành trình khám phá, trải nghiệm đặc sắc: Tuyến phía Bắc "Trở về nguồn cội" thuộc huyện Hòa An, Hà Quảng; Tuyến phía Tây "Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay" thuộc huyện Nguyên Bình và tuyến phía Đông "Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên" huyện Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa.

Trong 3 tuyến CVĐC Toàn cầu Non nước Cao Bằng gồm nhiều giá tri di sản. Nổi bật nhất là kiến tạo thiên nhiên kỳ vĩ với 130 điểm di sản địa chất độc đáo, có giá trị tầm cỡ quốc tế với các tháp, nón đá vôi, thung lũng, hang động, hệ thống hồ - sông - hang ngầm liên thông. Hơn 200 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 23 di tích cấp quốc gia.

Theo đánh giá của Tiến sỹ Jutta Weber, Giám đốc Khoa học Ban Quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO, Bergstrase - Odenwald, Đức, thành viên mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực châu Âu, CVĐC Toàn cầu Non nước Cao Bằng là một miền đất hiếm có, chứa đựng nhiều giá trị di sản địa chất quốc tế, đặc biệt các tầng địa chất núi đá phong hóa hàng triệu năm chứa đựng nhiều tầng địa chất trong quá trình hình thành trái đất. Do đó, bạn có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái đất qua các dấu tích hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản... vẫn còn hiện hữu trong cảnh quan thiên nhiên Cao Bằng.

Đây là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của Trái đất. Các tầng địa chất ban tặng cho Cao Bằng nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn được xếp hạng khu vực châu Á và thế giới. Sự kết hợp giá trị di sản địa chất và bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số vẫn được lưu giữ hàng nghìn năm đã ban tặng cho Cao Bằng món quà vô giá về tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội và cơ hội hội nhập quốc tế.

Chính vì vậy, Cao Bằng cùng chung nhiệm vụ quốc tế kết nối, hợp tác với chương trình khoa học địa chất thế giới, mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO và hơn 130 quốc gia cùng thực hiện 17 mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Thực hiện nhiệm vụ này, Cao Bằng góp phần nâng tầm trách nhiệm và vị thế của mình trong quốc gia và trên trường quốc tế.

Cảm nhận về cảnh thiên nhiên Non nước Cao Bằng, nhiều khách trong nước, quốc tế nhận định: Cao Bằng là “xứ sở thần tiên”, điểm đến với vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên kỳ vĩ. Nhận định này cũng được các nhà địa chất học tán thành bởi Cao Bằng có diện mạo địa chất đa dạng, nhiều dãy núi đá vôi độ cao từ 200 - 2.000 m xen với thung lũng thấp đất thấp và hệ sông, suối, hồ… tạo thành danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, kỳ thú với điểm đến độc đáo, như: Thác Bản Giốc, hệ thống hang động đẹp huyền ảo, kỳ bí như động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), Hang Dơi (Hạ Lang), Ngườm Pục (Thạch An), hồ Thang Hen, Núi mắt thần (Trà Lĩnh); Phja Đén, Phja Oắc (Nguyên Bình) có độ cao gần 2.000 m với thảm thực vật phong phú; Cúc đá tay cuộn xã Kéo Yên và cao nguyên đá kỳ vĩ vùng Lục Khu (Hà Quảng),…

Từ đa dạng diện mạo địa chất tạo nên hệ sinh thái đa dạng gồm 10 hệ sinh thái, đa dạng về loài thực vật, động vật, đa dạng về nguồn gien với 31 nguồn gien, trong đó, 23 nguồn gien cây trồng đặc sản, 8 nguồn gien vật nuôi cho Cao Bằng nhiều sản vật đặc hữu như: quả lê, mận máu (Bảo Lạc), hạt dẻ, gạo nếp Pì Pất (Trùng Khánh), quýt Trà Lĩnh, chè Giảo cổ lam… Vật nuôi nổi tiếng, như: lợn đen, gà đen, gà lôi, gà cáy củm, bò dân tộc Mông; động vật hoang dã vượn Cao vít, báo lửa, nai, khỉ, lợn rừng...

https://dulich.petrotimes.vn

Tổng cục Du lịch

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]